ZaloĐặt hẹn

Bà bầu bị sốt xuất huyết dễ trở nặng

Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết dễ trở nặng, rối loạn đông máu, nguy cơ xảy ra tình huống “giữ mẹ mất con” trong khi chưa có phác đồ điều trị.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM thời gian qua ghi nhận 3 ca tử vong vì sốt xuất huyết và 7 ca quá nặng được gia đình xin về, trong đó có hai thai phụ. Hai bệnh nhân mang thai này tự mua thuốc uống khi có triệu chứng sốt, bệnh nặng hơn mới nhập viện điều trị. Khi đó tình trạng đã muộn, bệnh nhân bị sốc, được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới – tuyến cuối về điều trị sốt xuất huyết tại TP HCM.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Duy, khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực – Chống độc người lớn (ICU) cho biết hai thai phụ sốc sâu, rối loạn đông máu, xuất huyết nặng, tổn thương đa cơ quan, thai nhi chết lưu, nhiễm trùng máu. “Điều trị sốc sốt xuất huyết trên thai phụ phức tạp hơn các bệnh nhân khác”, bác sĩ Duy nói.

Các loại thuốc, kỹ thuật điều trị sử dụng cho người mẹ phải được bác sĩ tính toán kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng đến em bé. Nếu mẹ sốt xuất huyết nặng, biến chứng, thai nhi có thể chết lưu. Ở hai bệnh nhân trên, bệnh viện đã hội chẩn với đồng nghiệp Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, cân nhắc giữa nguy cơ và sự cần thiết hủy thai kỳ đối với sức khỏe từng thai phụ. Nếu không lấy thai ra ngoài, người mẹ có nguy cơ bị nhiễm độc, nhiễm trùng máu và ngược lại, nếu phẫu thuật, người mẹ có nguy cơ chảy máu ồ ạt, khó kiểm soát.

Tuy nhiên, hai bệnh nhân mang thai này, dù các bác sĩ đã thực hiện tất cả phương pháp hồi sức tích cực, như đặt nội khí quản cho thở máy, lọc máu, chống sốc, truyền thuốc vận mạch… vẫn không đáp ứng điều trị.

Phân tích các ca tử vong vì sốt xuất huyết, Sở Y tế TP HCM khuyến cáo phụ nữ có thai là một trong hai nhóm nguy cơ sốt xuất huyết diễn tiến nặng, bên cạnh trẻ em béo phì. Tuy nhiên, đến nay phác đồ quốc gia về điều trị sốt xuất huyết, cũng như Tổ chức y tế Thế giới (WHO), chưa có hướng dẫn điều trị riêng cho nhóm này. Vì vậy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM phối hợp với các bệnh viện phụ sản và khoa hồi sức sơ sinh xây dựng hướng dẫn chăm sóc, điều trị sốt xuất huyết cho phụ nữ có thai, bổ sung vào phác đồ điều trị quốc gia.

ba bau bi sot xuat huyet de tro nang
Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết tại khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM là bà bầu. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo bác sĩ Lê Võ Minh Hương, phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Từ Dũ, sốt xuất huyết trong thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng nặng cho mẹ và thai nhi. Ở phụ nữ mang thai, virus có khả năng gây bệnh nặng hơn do sự suy giảm hệ miễn dịch trong thai kỳ. Người bệnh có thể tử vong do thoát huyết tương hoặc xuất huyết nặng gây sốc giảm thể tích.

Ngoài ra, một phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể gây nên các tác động xấu cho thai, như trẻ sinh nhẹ cân, sinh non hoặc thậm chí tử vong. Nếu mẹ bầu bị sốt xuất huyết trong lúc sinh, khả năng băng huyết sau sinh rất cao.

Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai cũng tương tự như các bệnh nhân khác. Triệu chứng giống với cảm cúm. Biểu hiện thường là sốt cao đột ngột 39-40 độ C, liên tục, khó hạ sốt, kéo dài 2-7 ngày, kèm theo đau đầu, sau đó nổi ban và có dấu hiệu chấm xuất huyết ngoài da. Khi sốt xuất huyết diễn tiến nặng sẽ có triệu chứng chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, khát nước, tiểu ít, đau bụng, nôn ói nhiều, tay chân lạnh, vật vã. Nặng hơn sẽ có biểu hiện choáng, mạch nhanh, huyết áp tụt. Các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng thường bắt đầu xuất hiện từ 3-7 ngày sau khi khởi phát bệnh.

Bác sĩ Hương khuyến cáo khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị sốt xuất huyết, để giảm nguy cơ bệnh trở nặng và tử vong, bà bầu cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán xác định bệnh và có phương án điều trị phù hợp. Trường hợp gần ngày dự sinh, thai phụ nên chọn sinh tại các bệnh viện lớn, có khả năng xử trí kịp thời các biến chứng nguy hiểm xảy ra trong và sau sinh cho mẹ cùng bé. Mẹ cần tuân thủ phác đồ điều trị và những hướng dẫn của nhân viên y tế.

Người mẹ có thể hạ sốt bằng paracetamol 10-15 mg trên mỗi kg cân nặng, nếu sốt trên 38 độ C; uống thật nhiều nước và các loại nước trái cây giàu vitamin C; ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng; mặc thoáng mát, nghỉ ngơi tại giường, hạn chế đi lại…

Với bà bầu đang tự theo dõi tại nhà, bác sĩ Hương lưu ý cần đến bệnh viện ngay, để được cấp cứu kịp thời khi có một trong các dấu hiệu trở nặng, như đau bụng dữ dội hoặc đau cơ; nôn ói liên tục (ít nhất ba lần trong một giờ); chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng; nôn ra máu hoặc có máu trong phân; thở nhanh, khó thở; cảm thấy mệt mỏi nhiều, tay chân lạnh, vật vã, lừ đừ…

Thư Anh

Nguồn: Vnexpress

5/5 - (3 bình chọn)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top