ZaloĐặt hẹn

Bệnh tăng huyết áp là gì? Tại sao phải quan tâm tới bệnh tăng huyết áp ?

Bệnh tăng huyết áp là một bệnh nguy hiểm thuờng gặp và gia tăng theo tuổi. Bệnh tăng huyết áp làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống, thậm chí có thể gây tử vong và di chứng thần kinh nặng nề như liệt nửa người, hôn mê với đời sống thực vật cho người bệnh.

bệnh tăng huyết áp là gì cao huyết áp huyết áp cao
Chỉ khi nào huyết áp tối đa bằng hoặc lớn hơn 140mmHg hoặc số huyết áp tối thiểu bằng hoặc lớn hơn 90mmHg thì được coi là tăng huyết áp.

Huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của động mạch.

Tăng huyết áp là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi chỉ số huyết áp thấp hơn hoặc bằng 120/80mmHg được xem là huyết áp tối ưu không gây hại cho sức khoẻ; trong đó 120 gọi là số huyết áp tối đa (biểu hiện sức bóp của tim), 80 là số huyết áp tối thiểu (biểu hiện sức cản của thành mạch máu). Chỉ khi nào huyết áp tối đa bằng hoặc lớn hơn 140mmHg hoặc số huyết áp tối thiểu bằng hoặc lớn hơn 90mmHg thì được coi là tăng huyết áp.

Tăng huyết áp được phân loại thành nguyên phát hay thứ phát. Khoảng 90–95% số ca “tăng huyết áp nguyên phát”, dùng để chỉ các trường hợp không tìm thấy nguyên nhân gây tăng huyết áp (vô căn). Và chỉ có khoảng 5–10% số ca là tăng huyết áp thứ phát do các bệnh tại các cơ quan khác như thận, động mạch, tim và hệ nội tiết gây ra như suy thận mạn tính, hẹp động mạch thận, cường aldosteron nguyên phát, u tủy thượng thận và do uống thuốc ngừa thai.

Tăng áp chia làm 3 mức độ:

  • Tăng huyết áp độ 1 (tăng huyết áp nhẹ): khi trị số huyết áp tối đa từ 140 – 159mmHg hoặc chỉ số huyết áp tối thiểu từ 90 – 99mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 2 (tăng huyết áp trung bình): khi huyết áp tối đa từ 160 – 179mmHg hoặc chỉ số huyết áp tối thiểu từ 100 – 109mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 3 (tăng huyết áp nặng): khi huyết áp tối đa đo được từ 180mmHg trở lên hoặc huyết áp tối thiểu từ 110mmHg trở lên.

Đo huyết áp khi nào để có kết quả chính xác nhất?

Trị số huyết áp có thể thay đổi khi có các yếu tố tác động như tâm lý (lo âu, sợ hãi, mừng vui…) vận động (đi lại, chạy nhảy) hoặc môi trường (nóng lạnh), chất kích thích (thuốc lá, cà phê, rượu bia) và bệnh lý (nóng sốt, đau đớn). Trong những trường hợp này không thể cho rằng bạn bị tăng huyết áp.

Để có trị số huyết áp trung thực nhất, bạn nên thực hiện do huyết áp trong trạng thái tinh thần thoải mái ở môi trường yên tĩnh. Cần lưu ý không uống cà phê, hút thuốc lá, không dùng các thuốc ảnh hưởng đến huyết áp (như thuốc chống sung huyết mũi) trước khi đo huyết áp.

Nguyên nhân gây tăng huyết áp

Huyết áp cao có nhiều yếu tố nguy cơ, bao gồm: tuổi tác, tiền sử gia đình, thừa cân béo phì, ít vận động, hút thuốc lá, ăn mặn, căng thẳng, một số bệnh mãn tính (cholesterol cao, tiểu đường, bệnh thận và ngưng thở khi ngủ) và đôi khi mang thai cũng góp phần làm tăng huyết áp.

Hầu hết các trường hợp tăng huyết áp đều là không rõ nguyên nhân, do đó ngoài việc điều trị bằng thuốc hạ áp phải lưu ý đến điều trị các yếu tố nguy cơ như tiểu đường, tăng lipid máu, giảm ăn mặn, chế độ ăn kiêng hợp lý kết hợp tập thể dục đều đặn.

Người trẻ hoặc người quá già có tăng huyết áp cần lưu ý một số nguyên nhân mà việc điều trị can thiệp phẫu thuật có thể chữa trị khỏi hoàn toàn như hẹp eo động mạch chủ, hẹp động mạch thận, u tủy thượng thận.

Mặc dù bệnh tăng huyết áp thường gặp nhất ở người lớn nhưng trẻ em cũng có nguy cơ. Ở một số trẻ, huyết áp cao là do vấn đề về thận hoặc tim. Nhưng đối với một số lượng lớn các trẻ, thói quen ăn uống không lành mạnh và thiếu tập thể dục góp phần làm tăng huyết áp.

Hậu quả của tăng huyết áp

Huyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ của đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim và phình động mạch, ngoài ra nó còn là nguyên nhân gây ra suy thận mãn và biến chứng ở mắt. Tăng áp lực máu động mạch sẽ dẫn tới giảm tuổi thọ trung bình.

Tăng huyết áp là nguyên nhân gây tử vong và di chứng thần kinh nặng nề như liệt nửa người, hôn mê với đời sống thực vật, đồng thời có thể thúc đẩy suy tim, thiếu máu cơ tim làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống (không cảm thấy khoẻ khoắn, mất khả năng lao động) và gia tăng khả năng tử vong.

Do đó việc điều trị huyết áp cao cần được quan tâm để tránh những tai biến nguy hiểm mà nó có thể gây ra.

Lời kết

Ngày nay nhờ tiến bộ về kỹ thuật chẩn đoán (máy đo huyết áp phổ biến rộng rãi) và ngày càng có nhiều loại thuốc điều trị ít tác dụng phụ, việc điều trị đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, giảm đáng kể tử vong và các di chứng (liệt nữa người, suy tim) do tăng huyết áp gây ra.

Người bệnh tăng huyết áp cũng cần chấp nhận việc điều trị tốn kém lâu dài để đổi lấy một cuộc sống an toàn.

Những thông tin được cung cấp trên đây chỉ nhằm cung cấp thêm thông tin cho Quý bạn đọc trong việc phát hiện sớm bệnh và phối hợp tốt hơn với bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh. Thông tin trên không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

ASIA Health không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

5/5 - (2 bình chọn)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top