ZaloĐặt hẹn

Gần đỉnh dịch sốt xuất huyết, TPHCM “cầu cứu” Bộ Y tế vì thiếu thuốc

Dự báo đỉnh dịch tại TPHCM sẽ rơi vào tháng 8 đến tháng 10. Dung dịch cao phân tử và thuốc vận mạch điều trị sốt xuất huyết hiện không có nguồn cung, khiến các bệnh viện phải dùng thuốc khác thay thế.

Ngày 27/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra công tác điều trị sốt xuất huyết Dengue (SXH) tại nhiều cơ sở điều trị tại TPHCM như Bệnh viện (BV) Quận 8, BV Nhi đồng 1, BV Bệnh Nhiệt đới, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

gan dinh dich sot xuat huyet tphcm het thuoc
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Bệnh nhân tăng, dịch cao phân tử, thuốc vận mạch không có nguồn cung ứng

Tiếp Đoàn kiểm tra, Đại diện BV Nhi đồng 1 cho biết, trong 6 tháng đầu năm lượt khám và điều trị sốt xuất huyết (SXH) nội trú của nơi này cao gấp 4 lần so với 2 năm dịch, tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2019. Tỷ lệ sốc SXH chiếm 21%, cao gấp 2 so với các năm trước. Trung bình tháng 5 và 6 có hơn 100 ca sốc/tháng. Tích lũy đến nay, BV đã có 7 ca tử vong vì SXH, trong đó 5 ca từ tỉnh chuyển đến.

Thống kê sáng nay, có 130 ca đang điều trị, trong đó có 2 ca nặng. Trung bình một ngày khoa điều trị 100 bệnh nhân SXH, trong đó 10-15% có chỉ định truyền dịch, 5% cần hỗ trợ hô hấp. Tổng số giường để tiếp nhận bệnh nhân SXH tại đây hiện là 300 giường.

BV Nhi đồng 1 đã chủ động lên kế hoạch tiếp nhận, chẩn đoán và điều trị SXH. Thời gian tới khi dịch Covid-19 ổn định, BV sẽ chuyển khoa Covid-19 thành khoa Hồi sức Nhiễm để dự phòng 150 giường điều trị SXH. Trước đó, khoa này đã nhận 2 ca SXH nặng, khi các khoa hồi sức cấp cứu khác không còn giường oxy.

Trong tình hình ca bệnh sốc SXH tăng cao, BV duy trì đội ngũ chuyên gia để hội chẩn và xử trí kịp thời. BV cũng lập đội cơ động để đáp ứng các tình huống dịch khẩn cấp, kể cả khi Sở Y tế điều động hỗ trợ cho bên ngoài.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết thêm, kinh phí từ chương trình SXH quốc gia đã không còn cấp từ năm 2020, gây trở ngại trong việc hỗ trợ điều trị cho các BV tuyến dưới.

Một vấn đề khác là việc nhiều dung dịch cao phân tử (như HES 200, Dextran 40, Dextran 70) và các thuốc vận mạch (Dopamin) chưa có nguồn cung ứng, do các công ty giảm dần việc sản xuất. Do đó khi đến mùa dịch bị thiếu hụt, phải dùng các thuốc khác thay thế (như Dopamin thay bằng Adrenalin). Điều này lại gây khó cho người dân khi bảo hiểm y tế không chi trả cho thuốc không đúng tên trong danh mục.

Theo ghi nhận tại khoa Truyền nhiễm của BV Nhi đồng 2, dung dịch Dextran 40 cũng không còn từ lâu. Các bác sĩ phải dùng cao phân tử Volulyte 6% để “chữa cháy” điều trị bệnh nhi SXH.

Đại diện BV Nhi đồng 1 nhận định, tình hình dịch SXH sẽ tiếp tục phức tạp và tăng cao, dự báo đạt đỉnh vào các tháng 8-9-10.

Do đó, BV kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung ứng kịp thời dung dịch cao phân tử, thuốc vận mạch; tiếp tục tăng cường huấn luyện SXH cho các cơ sở tuyến đầu và tuyến sau, kiểm thảo rút kinh nghiệm các ca tử vong và đẩy mạnh giám sát SXH thông qua chương trình SXH quốc gia.

Tăng cường nguồn thuốc, cấp kinh phí cho khu vực phía Nam

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, tỷ lệ tử vong vì SXH của Việt Nam là 0,046, thấp hơn nhiều nước Đông Nam Á (như Philippine là 0,075). Dù vậy, Việt Nam có thể làm giảm được tỷ lệ trên.

Ngoài giải pháp mà các BV đề xuất, ông Nguyễn Trọng Khoa cho rằng cần đưa các bác sĩ ở những tuyến khác về BV tuyến cuối trực tiếp điều trị bệnh nhân SXH nặng, như một cách thực hành lâm sàng. Đội ngũ chuyên gia Bộ Y tế trong thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ, cập nhật các chẩn đoán, điều trị SXH cho các BV ở TPHCM.

Ông Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng, Viện Pasteur TPHCM cho biết, qua giám sát dịch, 5 tháng đầu năm ghi nhận chủng virus DEN-1 chiếm 57%, chủng DEN-2 là 41%. Dịch SXH tập trung ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, ngoài TPHCM còn có Bình Dương, Đồng Nai…

Đại diện Viện Pasteur TPHCM cho rằng, việc quan trọng là phải diệt muỗi, diệt lăng quăng. Các BV, các công trường xây dựng cần chú ý những giếng nước, lu vại, tiềm ẩn nguy cơ gây muỗi. Viện Pasteur đã có công văn gửi Bộ Y tế xin hỗ trợ kinh phí cho việc đào tạo, tập huấn điều trị SXH tại phía Nam.

Sau khi nghe các báo cáo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đến nay tổng số ca nhiễm sốt xuất huyết toàn quốc đã vượt con số 70.000 ca (riêng khu vực Nam là 56.000 ca), số trường hợp sốc và nặng đều đã vượt đỉnh dịch năm 2019. Tổng số ca tử vong đã lên 42 trường hợp. Đây là điều rất đáng lo ngại, cần cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng, dù tình hình khó khăn nhưng cũng là cơ hội để các bệnh viện áp dụng những kỹ thuật, phương pháp điều trị mới để cứu chữa cho người bệnh. Bộ Y tế sẽ làm việc với các đơn vị Dược để làm sao tăng cường nguồn thuốc, đặc biệt là các thuốc hồi sức điều trị SXH.

Thứ trưởng cũng chia sẻ câu chuyện sau 2 năm tập trung chống dịch Covid-19, nhiều bác sĩ đã “quên bài” điều trị SXH. Do đó, Đoàn công tác cũng sẽ về báo cáo với Bộ trong việc cấp kinh phí để đào tạo, tập huấn cho khu vực phía Nam.

Nguồn: Báo Dân trí

Đánh giá

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top