ZaloĐặt hẹn

Nhiều người bất ngờ hoại tử sọ và hàm mặt sau mắc Covid

 Nhiều trường hợp sau khi nhiễm Covid-19 bất ngờ bị biến chứng hoại tử xương hàm, xương sọ, thậm chí mất mạng trong sự bất lực của các y bác sĩ. Hiện chưa có phác đồ chuẩn để điều trị bệnh từ Bộ Y tế.

Ngày 11/7, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, chỉ trong 2 tháng gần đây, nơi này đã tiếp nhận đến 11 bệnh nhân bị viêm hoại tử xương vùng sọ mặt rất nặng do nấm Candida, Aspergilus và vi trùng. Trong đó có 2 trường hợp đã tử vong, 6 ca xin về, 3 bệnh nhân may mắn được cứu sống.

Đáng chú ý, tất cả trường hợp này đều có những triệu chứng như đau đầu, nghẹt mũi, sưng mặt, mắt… sau khi nhiễm Covid-19 trước đó.

Bất ngờ hoại tử nặng xương hàm, xương sọ “hậu Covid-19”

Trường hợp đầu tiên được cứu sống là nữ bệnh nhân A.T.L. (SN 1979, quê TPHCM). Trước đó vào tháng 11/2021, chị L. nhiễm Covid-19. Tháng 3 năm nay, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau đầu, nghẹt mũi, sưng mặt. Qua thăm khám, chị L. được chẩn đoán viêm xoang và tiến hành phẫu thuật tại một bệnh viện ở TPHCM.

Đến tháng 5, bệnh nhân lại tái sưng mặt và đau đầu. Khi nhập Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, trước tình hình hoại tử vùng xoang hàm và sọ nặng, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy.

BS CK2 Trần Anh Bích, Phó khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ảnh chụp phim ghi nhận bệnh nhân đã mờ hết vùng xoang hàm, mất xương, hoại tử vùng thái dương, chân bướm. Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật làm sạch, xử lý hoại tử xương hàm. Đáng chú ý, khi mở sọ để cắt xương hoại tử, từ phần thái dương có mủ trào ra và có ổ áp-xe lớn.

Trường hợp thứ hai là bà P.T.H. (SN 1962, quê Tây Ninh). Trước đó sau khi bị đau đầu và sưng mặt, bệnh nhân được phẫu thuật với chẩn đoán viêm xoang tại một bệnh viện ở Củ Chi nhưng sau đó vẫn sưng mắt trái, sưng vùng trán và đau đầu nhiều.

Trên ảnh chụp phim, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phát hiện các xoang của bệnh nhân đã hoại tử, tổn thương xương khẩu cái (xương vùng trần của miệng) và vùng trước trán. Quá trình mổ, xương sọ trán thậm chí được xác định đã hoại tử, nhiều mủ bám vào xương và màng não.

Tương tự, bà N.T.T. (SN 1959, quê Khánh Hòa) cũng hoại tử nặng các vùng xoang trên mặt, xương sọ. Bác sĩ của 3 khoa Tai Mũi Họng, Ngoại thần kinh và Bệnh Nhiệt đới phải phối hợp vừa mổ, vừa điều trị nội khoa cho bệnh nhân. Dù giữ được mạng sống, bà T. phải bỏ hết tất cả xương hoại tử từ hốc mũi đến phần xương khẩu cái, xương sọ…

hoai tu so nao viem xuong do hau covid
Có bệnh nhân phải lấy hết tất cả xương hàm và răng để giữ mạng sống (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Bệnh nguy hiểm, chưa có phác đồ điều trị từ Bộ Y tế

PGS.TS.BS Trần Minh Trường, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, các bệnh nhân trên đều là những trường hợp hiếm gặp, nặng và có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Về triệu chứng, tất cả đều bị đau trong giai đoạn sau nhiễm Covid-19 ở vùng đầu, mặt, răng, khẩu cái…, triệu chứng tiến triển âm ỉ kéo dài. Đây là những dấu hiệu của bệnh viêm xoang. Hầu hết bệnh nhân đều có bệnh lý nền và có dùng thuốc chứa corticoid.

“Chúng tôi không dám khẳng định 100% bệnh nhân bị hoại tử xương hàm mặt và sọ mặt do Covid-19. Nhưng từ tháng 5/2021 đến nay, thế giới đã có 80 bài báo cáo đăng tải những vấn đề tương tự, cho thấy có mối liên hệ giữa Covid-19 và cốt tủy viêm xương” – PGS Trần Minh Trường nói.

Thành viên ê-kíp điều trị chia sẻ, cả hai bệnh nhân không cứu được đều có biểu hiện rất bình thường đến tận những ngày gần tử vong. Như trường hợp của ông Bùi Văn P., nhập viện trong tình trạng răng hàm bất ngờ bị mủn và rớt ra, xương sọ hoại tử.

Sau khi được can thiệp, bệnh nhân thấy tình trạng tốt lên nên không chịu phẫu thuật. Hậu quả là sau đó bệnh tiến triển nhanh, suy đa tạng và không còn cứu kịp.

TS.BS Nguyễn Ngọc Khang, Phó khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, thời điểm tiếp nhận những trường hợp đầu tiên, các bác sĩ không có kinh nghiệm, không rõ bệnh diễn tiến như thế nào, nên gặp lúng túng rất nhiều. Ê-kíp điều trị cũng phân vân, vì nếu lấy hết xương sọ hoại tử rồi thì lấy gì đỡ não cho bệnh nhân, hay có nên phẫu thuật ghép sọ ngay hay không?

May mắn là sau đó, họ thấy kết quả rất khả quan khi bệnh nhân được lấy hết những ổ xương viêm đã cải thiện rất tốt. Dù vậy, 3 bệnh nhân cứu được còn phải theo dõi lâu dài, bởi tình trạng xảy ra là chưa có tiền lệ.

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới chia sẻ thêm, trong các bệnh nhân sống sót có một số ca tiền căn đái tháo đường được phát hiện nhiễm nấm. Từ những ca gợi ý trên, các trường hợp có bệnh cảnh tương tự cũng được điều trị nấm tích cực. Nhờ vậy, 3 bệnh nhân tưởng khó thoát cái chết đã hồi phục một cách “thần kỳ”.

Theo TS.BS Hùng, trước đây khi chưa có dịch bệnh, tình trạng nhiễm nấm sau khi bị đái tháo đường không nhiều. Người nhiễm Covid-19 thường bị rối loạn miễn dịch kéo dài, khiến khả năng nhiễm nấm tăng lên.

Các BS khuyến cáo, vì Bộ Y tế vẫn chưa có phác đồ chuẩn để điều trị các trường hợp trên, nên chỉ có thể kết hợp điều trị cả nội lẫn ngoại khoa, như phẫu thuật để lấy hết xương viêm, xương hoại tử, dùng thuốc kháng sinh, cân nhắc sử dụng thuốc kháng nấm.

Điều đặc biệt nguy hiểm là những trường hợp này dễ bị nhầm lẫn trong chẩn đoán ban đầu, khiến bệnh nhân không được điều trị tận gốc.

Do đó, người sau khi mắc Covid-19 từ 6-8 tháng nếu có tình trạng nhức đầu, viêm xoang được khuyến cáo nên được chụp CT-scan não để kịp thời phát hiện bệnh, xử lý viêm nhiễm sớm. Nếu để hình thành ổ áp-xe, hoại tử ăn vào não thì hậu quả rất nặng nề.

Nguồn: Báo Dân trí

Đánh giá

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top