ZaloĐặt hẹn

TPHCM điều trị thế nào nếu có 6.000 ca sốt xuất huyết

TPHCM xây dựng phương án ứng phó cho tình huống xấu nhất – khi số ca sốt xuất huyết lên tới 6.000, nhằm giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, số ca mắc tại thành phố liên tục tăng. Từ đầu năm đến nay, các cơ sở y tế tiếp nhận hơn 26.000 người đến khám, tăng gần 230% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó hơn một nửa phải nhập viện điều trị. Số ca chuyển nặng và tử vong cũng tăng cao so với cùng kỳ và trung bình 5 năm trước. Hiện, các bệnh viện điều trị hơn 2.000 bệnh nhân.

Trong tình huống thành phố có dưới 2.000 ca điều trị nội trú, dưới 300 ca nhập viện mới mỗi ngày và dưới 200 ca nặng, các bệnh viện sẽ chuẩn bị 2.450 giường điều trị và 260 giường hồi sức.

Khi số ca nội trú tăng lên 2.000-4.000, với khoảng 300-600 ca nhập viện mới mỗi ngày, các bệnh viện đều sẽ tăng công suất tiếp nhận, cụ thể 4.000 giường điều trị và 410 giường hồi sức.

Tình huống xấu nhất, 4.000-6.000 ca bệnh, 600-900 ca nhập viện mới mỗi ngày, các bệnh viện ưu tiên mở rộng giường cho bệnh nhân sốt xuất huyết, cụ thể 6.000 giường điều trị và 605 giường hồi sức.

tphcm xay dung kich ban dieu tri 6000 ca sxh
Kịch bản điều trị sốt xuất huyết ở TP.HCM. Đồ họa: Tiến Thành

Tương ứng từng tình huống, các bệnh viện dự trù dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu đảm bảo sử dụng trong một tháng. Trung bình, một bệnh nhân sốt xuất huyết nặng sử dụng khoảng 6 lít dịch truyền, hai đơn vị máu, chế phẩm máu.

Thành phố cũng lên kế hoạch về nhân lực, ước tính một bác sĩ, hai điều dưỡng sẽ chăm sóc 30 người bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo; một bác sĩ, hai điều dưỡng sẽ chăm sóc 5 người bệnh nặng. Tất cả bác sĩ, điều dưỡng cần được tập huấn hướng dẫn, chẩn đoán, điều trị bệnh.

Các bệnh viện sẽ phân tuyến tiếp nhận bệnh nhân theo từng mức độ bệnh. Cụ thể, bệnh nhân mức độ nhẹ – phần lớn được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu điều trị triệu chứng và theo dõi chặt, phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.

Với mức độ sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo, người bệnh phải được nhập viện điều trị tại bệnh viện quận huyện, trung tâm y tế, bệnh viện tư nhân đã được tập huấn.

Mức độ sốt xuất huyết nặng, người bệnh nhập viện điều trị cấp cứu tại các bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện đa khoa thành phố. Tuyến cuối sẽ hỗ trợ chuyên môn, hội chẩn liên viện hoặc cử bác sĩ đến tuyến trước khi cần.

Theo Viện Pasteur TP HCM, dịch bệnh sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam và TP HCM năm nay thuộc type huyết thanh D1 như năm ngoái. Tuy nhiên, gần đây bắt đầu có sự gia tăng chủng D2. Theo quy luật, khi có xuất hiện trở lại của một type huyết thanh (đã vắng mặt một thời gian trước đó), số ca mắc mới sẽ có tăng cao, tương ứng số ca nặng, số tử vong tăng.

Thời gian qua, nhiều bệnh viện tuyến cuối tại TP HCM quá tải, phải kê thêm giường ở hành lang vì bệnh nhân nặng dồn dập vào viện. Ngành y tế dự báo những tháng còn lại của năm 2022 là cao điểm mùa mưa, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng, kéo theo số bệnh nặng và tử vong tăng nếu không quyết liệt phòng chống từ bây giờ.

Nguồn: VnExpress

Đánh giá

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top