Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 11-12 thông báo Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) của WHO đã đặt mua được gần 1 tỉ liều vắc xin COVID-19 cho các nước thu nhập thấp và trung bình.
Theo hãng tin Reuters, cũng trong cuộc họp báo ngày 11-12, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, cho biết đã có 189 nước trên thế giới tham gia COVAX.
Chương trình COVAX của WHO được thực hiện nhằm đảm bảo vắc xin Covid-19 được phân bổ công bằng và hiệu quả trên thế giới.
WHO cũng nói trong vài tuần tới sẽ đưa ra những quyết định đánh giá của họ về việc có nên cấp phép dùng khẩn cấp với các vắc xin COVID-19 tiềm năng của Pfizer, Moderna và AstraZeneca hay không.
Việc được WHO phê chuẩn có thể giúp một loại vắc xin được đưa vào sử dụng tại những nước mà cơ quan quản lý dược phẩm chưa thể đánh giá mức độ an toàn, hiệu quả của nó.
Bà Soumya Swaminathan, trưởng nhóm các nhà khoa học của WHO, cho biết đã có ít nhất 10 công ty bày tỏ quan tâm tới việc đánh giá của WHO và đã nộp hồ sơ đề nghị WHO phê chuẩn dùng khẩn cấp với các ứng cử viên vắc xin.
Tuy nhiên bà Swaminathan cũng cảnh báo nguồn cung vắc xin COVID-19 chắc chắn sẽ có hạn trong nửa đầu năm 2021.
Trong lúc này dịch bệnh vẫn đang diễn biến tồi tệ hơn tại khắp nơi trên thế giới. Nhiều nơi vẫn phải tiếp tục áp dụng các bước ngăn chặn lây lan như xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, cách ly và giãn cách xã hội.
Tổng giám đốc WHO cho biết số người chết vì COVID-19 đã tăng 60% trong 6 tuần qua.
Mỹ đặt mua thêm 100 triệu liều vắc xin của Moderna
Theo hãng tin AFP, ngày 11-12 chính quyền Mỹ thông báo cho tới tháng 6-2021 sẽ đặt mua thêm 100 triệu liều vắc xin COVID-19 của hãng Moderna. Thỏa thuận này sẽ nâng tổng số liều vắc xin Mỹ của Moderna lên 200 triệu, đủ để tiêm cho khoảng 100 triệu người.
Moderna cho biết đơn hàng mới này sẽ được giao trong quý 2-2021, trong khi đơn hàng đầu tiên sẽ hoàn thành trong quý 1 năm sau.
Như vậy tổng ngân sách liên bang dành cho việc mua vắc xin mRNA-1273 do Moderna phối hợp với Viện Sức khỏe quốc gia (NIH) phát triển tới nay là 4,1 tỉ USD.