Các tỉnh thành phía Nam đã ghi nhận 39.317 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 36 ca tử vong, 20 người trong số đó là trẻ từ 15 tuổi trở xuống. Riêng TP.HCM ghi nhận 13.520 ca mắc sốt xuất huyết và có 9 ca tử vong.
Chiều 15-6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên họp với ngành y tế về công tác phòng chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn TP.HCM trước tình hình bệnh dịch này đang tăng cao rõ rệt.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, đến ngày 2-6, các tỉnh thành phía Nam ghi nhận 39.317 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 72% so với cùng kỳ 2021. Trong đó đã ghi nhận 36 ca tử vong, 20 người trong số đó là trẻ từ 15 tuổi trở xuống. TP.HCM có số ca mắc mới và ca tử vong cao nhất trong số 20 tỉnh thành khu vực phía Nam.
Tính đến ngày 9-6, TP ghi nhận 13.520 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, đã có 9 ca tử vong tại TP.HCM. Trong đó quận 12, Bình Tân, Tân Phú, huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn có số ca mắc và số ca mắc/100.000 dân cao nhất. Theo nhận định của Sở Y tế, dù đây là bệnh lưu hành nhưng trong năm 2022, dịch có xu hướng tăng cao rõ rệt.
Phát biểu chỉ đạo, ông Nguyễn Văn Nên cho biết qua báo cáo của Sở Y tế, có thể thấy dịch bệnh sốt xuất huyết đang tăng nhanh ở khu vực phía Nam và đặc biệt là tại TP.HCM.
Do đó, cần phải sớm hành động ngăn chặn, cần tăng cường các giải pháp tương xứng với tình hình, bởi số ca nhiễm tăng thì số ca tử vong cũng sẽ tăng.
Ông đề nghị toàn hệ thống chính trị phải nhận thức đúng nguy cơ của dịch sốt xuất huyết và có trách nhiệm ra quân phòng chống bệnh. Trong đó, các tổ chức như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, ngành giáo dục… phải tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống bệnh.
“Với tinh thần triệt để diệt lăng quăng và muỗi, kết hợp với tổng vệ sinh môi trường, nhắc nhở các hộ gia đình có ý thức trách nhiệm giữ gìn vệ sinh xung quanh. Tổ chức các đoàn đi kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt”, ông Nên nói.
Ông chỉ đạo ngành y tế tập huấn hệ thống y tế, nhất là các tuyến cuối, chịu trách nhiệm trong phòng chống bệnh. Đồng thời, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh, các bước phát hiện bệnh, uống thuốc chữa bệnh và kịp thời chuyển viện khi uống thuốc không hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần chuẩn bị đầy đủ các dung dịch cần thiết (cao phân tử) để điều trị cho bệnh nhân, không để bệnh nhân tử vong do thiếu thuốc. Sở Y tế có trách nhiệm tham mưu UBND TP lập trung tâm mua sắm thuốc, vật tư y tế.
Nguồn: Tuổi Trẻ Online