Theo PGS. TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, trước năm 2010, ghi nhận lưu hành nhóm gen C5 của chủng virus EV 71, nhưng sau đó nhóm gen này giảm dần và nhóm gen C4 chiếm ưu thế. Sự dịch chuyển nhóm gen khiến cho những người chưa có miễn dịch, dễ mắc bệnh hơn.
Nhiều ca mắc tay chân miệng khi nhập viện đã ở trong tình trạng nặng
PGS TS Phan Trọng Lân cho hay, trong 9 tháng đầu năm 2018, số ca mắc bệnh tay chân miệng của 21 tỉnh khu vực miền Nam vẫn thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên trong tháng 8 và tháng 9, số ca nhập viện vì bệnh này tăng tới 50%. Trong đó có nhiều ca nhập viện trong tình trạng bệnh nặng.
Hiện đã có 6 trẻ em tại khu vực phía Nam tử vong do bệnh tay chân miệng. 2 trường hợp ở tỉnh Tây Ninh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bến Tre mỗi địa phương 1 trường hợp.
Tại TP.HCM, ca bệnh tay chân miệng bắt đầu có xu hướng tăng trong tháng 8 và tháng 9 với hơn 200 ca nhập viện mỗi tuần. Cá biệt có những tuần gần 300 ca, tăng 47% so với các tháng trước đó.
Tổng số ca bệnh nhập viện do mắc bệnh tay chân miệng của TP hiện là 3.200 ca và 15.500 ca điều trị ngoại trú.
Theo BS Lân, bệnh tay chân miệng là bệnh phổ biến lưu hành ở các tỉnh phía Nam với trung bình từ 200.000 – 100.000 ca bệnh mỗi năm. Mùa dịch tay chân miệng diễn ra từ tháng 5 đến tháng 11.
Tuy nhiên, trong mùa dịch bệnh năm nay đã bắt đầu thấy sự xuất hiện trở lại của chủng virus Enterovirus 71 (EV71) – chủng virus đã gây dịch tay chân miệng lớn trên cả nước những năm 2011, khiến 70.000 người mắc và 145 người tử vong.
Theo PGS TS Phan Trọng Lân, trước năm 2010, ghi nhận lưu hành thứ nhóm gen C5 của chủng virus EV 71, nhưng sau đó nhóm gen này giảm dần và nhóm gen C4 chiếm ưu thế. Số ca mắc tay chân miệng liên quan tới chủng virus EV 71 chiếm tới 25%. Đặc biệt, qua hệ thống giám sát, Viện Pasteur TP.HCM nhận thấy có sự thay đổi nhóm gen.
Năm 2011, nhóm gen C4 của chủng virus EV 71 bùng phát thành dịch khiến nhiều người tử vong. Giai đoạn từ năm 2012 tới năm 2016, nhóm gen C4 lại giảm dần và nhóm gen B5 chiếm ưu thế.
Từ năm 2017 tới nay, nhóm gien C4 bắt đầu tăng dần.
“Sự dịch chuyển nhóm gen khiến cho những người chưa có miễn dịch, dễ mắc bệnh hơn. Theo đánh lâm sàng, nhóm gen C4 làm bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng hơn các chủng khác, tác động lên hệ thần kinh, tim mạch và hô hấp, có thể gây tử vong” – Viện trưởng cho biết.
Theo thông tin từ Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc xin dự phòng.
Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ, như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.
Có 80% số ca bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi sát tình trạng của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như giật mình, đi đứng loạng choạng, yếu liệt… phải đưa trẻ đến các bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Văn Đức (vietnamnet)