ZaloĐặt hẹn

Cách rửa vết thương tại nhà đúng kỹ thuật điều dưỡng

Rửa vết thương được coi là kỹ thuật cơ bản của điều dưỡng. Tuy nhiên, khi rửa vết thương tại nhà, người bệnh hoặc người nhà thường ít chú ý tới các quy trình kỹ thuật, ẩn chứa nhiều nguy cơ làm vết thương nặng hơn, như: nhiễm trùng, hoại tử vết thương, khiến vết thương khó điều trị và lâu lành hơn bình thường.

cách rửa vết thương đúng quy trình kỹ thuật điều dưỡng nhanh lành
Rửa vết thương không đúng cách có thể làm người bệnh bị đau và khiến vết thương lâu lành, để lại sẹo, thậm chí có thể bị hoại tử.

Chuẩn bị dụng cụ

  • 2 kềm kelly.
  • Chén đựng dung dịch rửa vết thương.
  • Dung dịch sát trùng da: NaCl 0.9%, Povidine
  • Bông viên.
  • Gạc miếng.
  • Gòn bao dầy mỏng tùy theo tình trạng vết thương.
  • Găng tay sạch.
  • Kềm gắp băng dơ (bẩn).
  • Giấy lót.
  • Túi đựng rác thải y tế.
  • Băng keo.
  • Thau đựng dung dịch khử khuẩn.
cách thay băng vết thương nhanh lành bộ dụng cụ thay băng
Một bộ dụng cụ rửa vết thương theo đúng quy trình kỹ thuật

Chuẩn bị rửa vết thương

  • Địa điểm rửa vết thương nếu có thể nên làm trong phòng vô khuẩn, sạch, kín đáo và có đủ ánh sáng.
  • Chuẩn bị dụng cụ rửa vết thương, yêu cầu trước khi chuẩn bị thì người rửa vết thương cần đeo khẩu trang và rửa tay, dụng cụ dùng để rửa vết thương phải là dụng cụ vô khuẩn.
  • Động viên và chuẩn bị tinh thần cho người bệnh, tránh tâm lý stress, kích động và khó chịu trong quá trình rửa vết thương.
  • Trước khi thay rửa vết thương nên để dưới vết thương một tờ báo hoặc giấy nilon, điều này giúp cho quá trình thay rửa vết thương không làm bẩn giường, sàn nhà…
  • Bên cạnh người rửa vết thương nên để một túi đựng các loại băng bẩn, bông lau rửa vết thương…

Thực hiện rửa vết thương

– Nếu vết thương đã được băng trước đó

  • Tháo bỏ băng cũ cho vết thương, chú ý khi tháo băng chỉ chạm vào phần băng còn sạch, nếu băng quá bẩn nên dùng kẹp để lấy băng ra, việc chạm vào phần bẩn của băng có thể làm tay người thao tác bị bẩn và dẫn tới nhiễm trùng thứ phát cho vết thương.
  • Nếu băng khó tháo có thể lấy kéo cắt băng và chú ý cần lấy hết phần chân băng (nếu là băng dính). Với băng cuộn nên tháo ngược chiều băng, chú ý cần làm nhẹ nhàng, không gây tổn thương cho vết thương. Khi tháo băng tới lớp băng cuối, nếu vết thương dính bạn nên lấy nước muối sinh lý tưới lên phần băng gạc.
  • Phần băng đã tháo nên để gọn gàng trong túi, không để dây dưa bên ngoài, gây mất vệ sinh.

– Kỹ thuật rửa vết thương

  • Cần quan sát kỹ và đánh giá tình trạng vết thương, sau đó lấy một kẹp sạch, vô khuẩn gắp bông nhúng vào dung dịch sát khuẩn sau đó chuyển phần bông được nhúng sát khuẩn sang kẹp thứ 2 dùng để rửa vết thương (chú ý rửa từ trong ra ngoài). Rửa cho tới khi vết thương sạch và thực hiện thao tác như trên, chú ý không được làm bẩn kẹp dùng để nhúng bông vào dung dịch sát khuẩn.
  • Sau khi rửa vết thương bằng dụng dịch sát khuẩn, lấy gạc nhúng vào dung dịch nước muối sinh lý, vắt khô và thấm khô vết thương và lau xung quanh vết thương.

Một số chú ý khi thay băng và rửa vết thương

  • Với vết thương nhiễm trùng, cần chú ý nặn hết mủ của vết thương đồng thời lấy hết tổ chức chết ở vết thương, rửa vết thương nhiều lần bằng nước muối sinh lý.
  • Rửa lần cuối bằng oxi già nếu vết thương có bụi bẩn hay dị vật bên trong cần trôi ra ngoài do khả năng sủi bọt đẩy dị vật của oxi già.
  • Nếu vết thương không bẩn, không nhiễm khuẩn thì không nên dùng oxi già vì có thể gây tổn thương cả các tế bào lành.

 

Đánh giá
Scroll to Top