ZaloĐặt hẹn

Cứu sống bé 9 tháng tuổi ngưng thở do sặc sữa

Bệnh viện Sản – Nhi Quảng Ngãi cho biết, chiều ngày 01/6, bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu bé P.T.K. (9 tháng tuổi, TP Quảng Ngãi) trong tình trạng tím tái, ngưng thở do sặc sữa. Nhờ được cấp cứu kịp thời nên bé đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe tiến triển tốt.

be 9 thang tuoi sac sua ngung tho duoc cuu song
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe của bé K. Ảnh: BVCC.

Mẹ bé K. cho biết sau khi ăn xong, bé được đặt xuống giường và cho bú bình thì sặc sữa. bé K. ho và bắt đầu tím tái nên gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Bác sĩ Hồ Kim Đức, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, bệnh viện Sản – Nhi Quảng Ngãi, cho biết bé K. nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch. Bé đã tím tái toàn thân, ngưng thở sau sặc sữa. Kết quả thăm khám cho thấy, lúc này sữa đã trào vào đường thở, vào phổi gây viêm phổi, nhiễm trùng huyết.

“Đây là trường hợp rất nguy kịch, nếu chỉ chậm một tích tắc nữa có thể dẫn đến tử vong. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu tích cực nên bé qua được cơn nguy kịch. Tuy nhiên, bé phải điều trị lâu dài vì phổi bị viêm nặng do sặc sữa”, bác sĩ Đức nói.

Bác sĩ Hồ Kim Đức khuyến cáo, khi trẻ đang bú hoặc sau bú đột ngột ho mạnh, sữa trào qua miệng, mũi, cơ thể tím tái, có thể mềm nhũn hoặc co cứng… cần nghĩ đến nguy cơ trẻ bị sặc sữa. Trong trường hợp này, nếu người chăm sóc không biết cách sơ cứu thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, nhanh nhất để được cấp cứu kịp thời.

Khi trẻ có dấu hiệu bị sặc sữa, người chăm sóc cần ngay lập tức làm theo các bước sau:

  • Bước 1: Cho trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay và cánh tay phải, dùng lòng bàn tay vỗ mạnh và nhanh 5 cái vào lưng trẻ nhằm tăng áp lực trong lồng ngực để tống sữa ra khỏi đường hô hấp. Trẻ vẫn ho tức là đường thở chỉ bị tắc nhẹ. Sau đó, lau sạch sữa ở miệng, mũi và các bộ phận khác.
  • Bước 2: Nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái thì đặt nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, dùng hai ngón tay trỏ và giữa đột ngột ấn mạnh 5 cái ở nửa dưới của xương ức, dưới đường nối hai vú 1-2 cm. Lặp lại 5 đến 6 lần cho đến khi trẻ có dấu hiệu hồi phục, da hồng hào trở lại.
  • Bước 3: Kiểm tra lại đường thở bằng cách dùng miệng hút mạnh vào mũi, miệng trẻ, hút kỹ những sữa còn đọng ở họng và mũi càng nhanh, càng tốt. Hút miệng trước, mũi sau. Nếu để chậm, sặc sữa ở trẻ sơ sinh sẽ gây tắc nghẽn đường hô hấp do sữa tràn vào phế quản.
  • Bước 4: Sau kết hợp các biện pháp trên và khi đã hút sạch đường thở mà trẻ vẫn ngừng thở thì phải hà hơi thổi ngạt, cụ thể: Một tay bịt mũi, một tay kéo hàm xuống dưới để mở miệng nạn nhân. Sau đó hít hơi thật sâu rồi ngậm chặt miệng nạn nhân và thổi hết hơi.

Quan sát lồng ngực trẻ có di chuyển lên xuống trong lúc thổi ngạt hay không và lặp lại hà hơi thổi ngạt liên tục. Khi trẻ có nhịp thở thì đưa ngay đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Nguồn:

Đánh giá
Scroll to Top