HIV lây qua đường nào thưa bác sĩ? Có nhiều thông tin trên internet nói về vấn đề này nhưng tôi vẫn mong bác sĩ giải đáp giúp tôi. Cám ơn bác sĩ. (phamh…@yahoo.com.vn)
Trả lời:
Thân chào bạn,
Thông qua quan sát và nghiên cứu, chúng ta đã biết được đại đa số người nhiễm HIV bị nhiễm qua một trong hai con đường: tình dục và dùng chung bơm kim tiêm. Ngoài ra phụ nữ nhiễm HIV có thể sinh con bị nhiễm, và người bị truyền máu nhiễm vi rút cũng bị lây nhiễm. Tôi xin cung cấp tới bạn một số thông tin về các con đương lây truyền HIV/ AIDS:
1. HIV/AIDS lây nhiễm qua đường máu
Truyền máu là con đường lây nhiễm trực tiếp. Trong truyền máu, máu của người khác đi thẳng vào mạch máu của ta, hơn nữa lượng máu này lại lớn. Do đó bất cứ ai bị truyền máu của người nhiễm HIV đều bị lây nhiễm.
Kể từ năm 1994 trở đi, theo quy định tất cả các bệnh viện đều phải xét nghiệm HIV máu trước khi truyền, để tránh truyền máu nhiễm vi rút cho bệnh nhân. Do vậy, độ an toàn truyền máu rất cao. Tất nhiên vẫn có một khả năng là có người bị nhiễm HIV nhưng còn ở trong thời kỳ cửa sổ (khoảng 3 – 6 tháng sau khi nhiễm có thể chưa sinh kháng thể) thì xét nghiệm không phát hiện được là có nhiễm và bệnh viện vẫn chấp nhận máu của người đó. Song khả năng này nhỏ.
Cẩn thận thì bạn hãy yêu cầu bệnh viện xét nghiệm lại máu trước khi truyền. Xét nghiệm không chỉ để tìm kháng thể kháng HIV mà còn để loại trừ các bệnh khác như sốt rét, giang mai, viêm gan B…
Nếu vài tháng nữa bạn có kế hoạch phẫu thuật và sẽ cần máu thì có thể yêu cầu bệnh viện trích máu của mình từ bây giờ để dự trữ nếu điều kiện sức khỏe cho phép. Như vậy bạn tránh dùng máu của người khác, không sợ nguy cơ lây HIV. Hoặc bạn cũng có thể xin máu trước của một người thân bạn biết rõ không nhiễm HIV, để không phải dùng máu của bệnh viện. Làm vậy là rất hay, vì vừa được an toàn, vừa tiết kiệm được máu cho bệnh viện.
Ngoài những đường lây thông thường là tình dục không có bao cao su bảo vệ, chung bơm kim tiêm không tiệt trùng, truyền máu nhiễm HIV và truyền từ mẹ sang con, HIV hầu như không lây nhiễm qua các đường khác.
Ngoài ra, khi đi cạo râu hoặc sửa móng tay ở hiệu, bạn có thể yêu cầu người làm thay dạo cạo râu mới, lau dụng cụ sửa móng tay bằng cồn và cẩn thận hơn nữa là bạn có bộ sửa móng tay riêng của mình.
Nếu có bao giờ xăm mình, bạn nhất thiết cần yêu cầu tiệt trùng dụng cụ thật cẩn thận trước khi xăm, vì tiệt trùng không phải chỉ để tránh lây nhiễm HIV mà còn để tránh nhiễm trùng do dụng cụ bẩn.
2. Dùng chung bơm kim tiêm
Dùng chung bơm kim tiêm sau mỗi lần sử dụng khiến cho máu người trước còn đọng trên bơm kim đi thẳng vào mạch máu của người sau. Dù không nhìn thấy thì bơm kim vẫn có máu đọng đó. Do đó nếu có virus HIV thì chúng sẽ lây sang người lành bệnh một cách dễ dàng.
Những người có tiền sử nghiện ma túy hay đang nghiện ma túy thì khả năng mắc HIV/AIDS về sau là rất cao.
3. HIV/AIDS lây nhiễm từ mẹ truyền sang con
Phụ nữ nhiễm virus HIV nếu sinh con sẽ có khả năng khoảng 30% là con nhiễm HIV theo mẹ, có nghĩa là cứ 100 bà mẹ nhiễm HIV sinh con thì có khoảng 30 trẻ bị nhiễm. Virus HIV có thể lây sang bé qua nhau thai khi bé còn nằm trong bụng mẹ, qua máu và chất dịch của mẹ khi sinh, và một số nhỏ lây qua sữa mẹ khi mẹ cho bé bú. Trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV thường không sống được quá ba năm, bé sẽ bị bệnh và chết.
Trẻ do mẹ nhiễm HIV sinh ra thường xét nghiệm dương tính, tức là trong cơ thể bé có kháng thể kháng HIV. Nhưng như thế không có nghĩa là bé đã bị nhiễm. Ở trong bụng mẹ và khi bú sữa mẹ, bé nhận các chất kháng thể của mẹ để giúp bé chống bênh tật. Có thể bé không bị nhiễm HIV, nhưng cơ thể bé còn lưu nhiều kháng thể mẹ truyền cho, trong đó có cả kháng thể kháng HIV.
Do đó xét nghiệm của bé là dương tính mặc dù không nhiễm virus. Bé chỉ có kết quả xét nghiệm chính xác vào khoảng 6 – 12 tháng sau khi sinh. Khi đó trong máu của bé không còn các kháng thể của mẹ, mà chỉ có các kháng thể do cơ thể bé tự sinh ra. Nếu kết quả xét nghiệm lúc này là dương tính thì mới xác định bé có nhiễm HIV.
4. HIV/AIDS lây nhiễm qua việc quan hệ tình dục
Trong giao hợp thông thường, dương vật của người nam và âm đạo người nữ tiếp xúc với các dịch sinh dục của nhau. Nếu người nam mang HIV thì HIV có thể đi qua lớp niêm mạc âm đạo người nữ (da mỏng ở bên trong che phủ bề mặt âm đạo) vào những mạch máu nhỏ li ti có rất nhiều dưới lớp niêm mạc, khiến người nữ bị nhiễm virus HIV.
Nếu người nữ mang HIV thì HIV có thể truyền sang người nam qua niêm mạc ở lỗ dương vật hoặc qua lớp da bao phủ đầu dương vật ở phía ngoài. Lớp da này mỏng nên trong khi giao hợp dễ bị vết xước rất nhỏ không nhận thấy, tạo điều kiện cho HIV xâm nhập.
Còn trong trường hợp giao hợp bằng miệng (như dương vật – miệng, hay miệng – âm hộ), khả năng lây truyền HIV thấp hơn so với giao hợp thông thường. Tuy nhiên, nếu trong miệng có lở xước, hay có chảy máu răng thì HIV có khả năng lan truyền. Virus HIV ở sinh dục có thể xâm nhập vào vết xước ở miệng người kia. Hoặc HIV trong máu ở vết xước trong miệng có thể xâm nhập cơ thể người kia qua âm đạo hoặc dương vật. Vấn đề là nhiều khi trong miệng có những vết xước rất nhỏ mà ta không biết đến.
Giao hợp dương vật – hậu môn là hình thức giao hợp dễ làm lây HIV nhất. Lsy do là hậu môn và trực tràng (ống trong hậu môn) rất dễ xước bởi không có chất dịch làm trơn như âm đạo nên tạo điều kiện rất tốt cho HIV chuyển từ người này sang người kia.
5. Lời kết
Ngoài những đường lây thông thường là tình dục không có bao cao su bảo vệ, chung bơm kim tiêm không tiệt trùng, truyền máu nhiễm HIV và truyền từ mẹ sang con, HIV/AIDS hầu như không lây nhiễm qua các đường khác. Hy vọng rằng câu trả lời trên cung cấp đủ kiến thức giúp bạn hiểu hơn về các con đường lây truyền của virus HIV, nếu bạn còn thắc mắc gì về căn bệnh HIV/ AIDS, bạn hãy đừng ngần ngại gửi câu hỏi về cho chúng tôi qua email: chamsocsuckhoeASIA@gmail.com.