Vết thương nhiễm khuẩn nếu không được xử lý đúng cách kịp thời sẽ có thể gây hoại tử, nhiễm trùng máu và có thậm chí có thể gây tử vong. Vậy phải xử lý vết thương nhiễm khuẩn như thế nào? Mời Quý bạn đọc tham khảo những chỉ dẫn dưới đây.
Vết thương nhiễm khuẩn là gì?
Nhiễm khuẩn hay còn gọi là nhiễm trùng, là hiện tượng vi khuẩn xâm nhập và gây ra những phản ứng bất lợi cho cơ thể. Vi khuẩn có rất nhiều cách để xâm nhập vào cơ thể như qua đường hô hấp, ăn uống, hoạt động tình dục, thậm chí các can thiệp y khoa như chích thuốc, phẫu thuật nếu có sơ sót trong việc xử lý tiệt trùng các dụng cụ cũng dẫn đến nhiễm trùng. Tuy nhiên, con đường gây nhiễm trùng thông thường nhất là qua các vết thương ngoài da.
Thực ra, các loại vi khuẩn gây bệnh hiện diện quanh ta trong bất cứ môi trường thông thường nào. Nhưng trong điều kiện bình thường, khỏe mạnh, cơ thể chúng ta có một đội quân hùng hậu chông lại sự xâm nhập của bất kỳ loại vi khuẩn gây hại nào, đó là hệ thông miễn nhiễm của cơ thể. Cơ thể thường nhiễm trùng trong trường hợp vi khuẩn xâm nhập vào mạnh hơn khả năng phòng chông của cơ thể.
Dấu hiệu nhận biết vết thương nhiễm khuẩn
Thông thường, vết thương nhiễm khuẩn thường có các dấu hiệu như:
- Vết thương có hiện tượng đau tăng dần
- Vết thương có dấu hiệu đỏ, sưng và phù nề
- Có dịch tiết ra từ vết thương
- Vết thương và dịch tiết có mùi hôi
- Xuất hiện hạch sưng trên cơ thể
- Sốt cao kèm mệt mỏi
Lời khuyên trong xử lý vết thương nhiễm khuẩn
Các ổ nhiễm khuẩn nếu không được điều trị tích cực thì sau khoảng 72h sẽ tạo thành ổ mủ. Tùy theo chủng vi khuẩn mà tính chất mủ khác nhau như xanh hay vàng đục hay loãng. Nếu là vi khuẩn yếm khí thì có dịch đục lờ đờ.
Với các vết thương bị nhiễm trùng nặng, bạn không nên xử lý tại nhà mà cần có sự can thiệp của nhân viên y tế. Với các vết thương nhiễm trùng nhẹ (có mủ ít, hơi sưng đỏ), bạn có thể tự xử lý theo các hướng dẫn sau:
- Rửa sạch vết thương bằng nước muối sinh lý (0,9%), không nên rửa vết thương bằng cồn hoặc dung dịch oxi già, vì có thể làm chết các tế bào mới hình thành và làm vết thương lâu lành hơn.
- Thay băng, rửa vết thương hằng ngày
- Tùy theo mức độ mà có chế độ dùng thuốc kháng sinh khác nhau (nên có chỉ định của bác sĩ)
- Thực hiện chế độ nghỉ ngơi hợp lý