☰ MỤC LỤC
- Sốt xuất huyết và sốt phát ban đều có những biểu hiện là sốt và nổi ban đỏ khiến nhiều người nhầm lẫn, dẫn đến những xử trí sai lầm. Nếu bạn đang tìm hướng dẫn phân biệt sốt xuất huyết và sốt phát ban, mời bạn theo dõi nội dung dưới đây.
- 1. Sơ lược về về bệnh sốt xuất huyết và sốt phát ban
- 2. Phân biệt sốt xuất huyết và sốt phát ban
- 3. Lời kết
Sốt xuất huyết và sốt phát ban đều có những biểu hiện là sốt và nổi ban đỏ khiến nhiều người nhầm lẫn, dẫn đến những xử trí sai lầm. Nếu bạn đang tìm hướng dẫn phân biệt sốt xuất huyết và sốt phát ban, mời bạn theo dõi nội dung dưới đây.
1. Sơ lược về về bệnh sốt xuất huyết và sốt phát ban
– Sốt phát ban
Sốt phát ban là bệnh lý do nhiều loại virus gây ra, trong đó thường gặp nhất là virus sởi và virus gây bệnh rubella. Bệnh đặc trưng bởi các dấu hiệu:
- Sốt: Sốt cao trên 39 độ C ngay khi nhiễm virus gây bệnh. Các triệu chứng đi kèm như viêm họng, ho, sổ mũi, kéo dài tình trạng từ 3-5 ngày. Ở trẻ bị sốt phát ban, cha mẹ có thể thấy các hạch bạch huyết sưng lên ở phần cổ của trẻ.
- Nổi ban: Xuất hiện hiện tượng phát ban, các nốt phát ban nổi lên theo sau cơn sốt. Trên da người bệnh bắt đầu có các đốm đỏ, nhỏ, hoặc sưng lên, một số đốm sẽ có vòng trắng bao quanh. Phát ban ở trẻ sẽ bắt đầu lan rộng từ vùng ngực, lưng, bụng, sang cổ tay và cánh tay. Có thể lan xuống chân và lên mặt, tùy tình trạng, và thường biến mất sau vài giờ, thậm chí là vài ngày mà không để lại vết tích gì trên da trẻ.
Bệnh sốt phát ban thường gặp ở trẻ nhỏ, chủ yếu lây lan qua con đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi họng của người bệnh khi ho hoặc hắt hơi.
– Sốt xuất huyết
Trong khi đó, sốt xuất huyết là bệnh lý do virus Dengue gây ra. Bệnh lây truyền qua vết đốt của muỗi vằn mang virus gây bệnh (giống muỗi Aedes aegypti). Bệnh đặc trưng bởi các dấu hiệu:
- Sốt: Sốt cao đột ngột từ 39 – 40 độ C, liên tục trong 2 – 7 ngày. Biểu hiện sốt không thuyên giảm khi dùng thuốc hạ sốt.
- Xuất huyết: Khi sốt bắt đầu giảm thì bệnh nhân chuyển sang biểu hiện phát ban xuất huyết. Các nốt ban dạng chấm đỏ hoặc bầm máu ở da, có khi xuất huyết ở các vùng niêm mạc, như chảy máu chân răng, chảy máu cam, mắt đỏ, kèm theo đau bụng, nôn ói.
Sốt xuất huyết diễn biến khá thất thường và dấu hiệu bệnh dễ nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh khác. Bệnh nhân nếu không được phát hiện và chẩn đoán sớm thì việc điều trị tương đối khó khăn, thậm chí có nguy cơ tử vong. Hiện nay cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vaccine chủng ngừa sốt xuất huyết.
2. Phân biệt sốt xuất huyết và sốt phát ban
PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, hướng dẫn cách bệnh nhân phân biệt sốt xuất huyết với sốt phát ban:
“Sốt xuất huyết thường sốt cao ngay từ đầu, giai đoạn đầu chỉ sốt đơn thuần, phát ban giống như các phát ban khác, nhưng bạn lưu ý có thể lấy tay căng da ra mà vẫn nhìn thấy ban thì đó có thể là ban sốt xuất huyết. Ngược lại, nếu lấy tay căng da ra mà không nhìn thấy ban nữa thì đó có thể là ban của các bệnh khác”.
3. Lời kết
Sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột, trong những ngày đầu dấu hiệu của bệnh chưa rõ ràng nên có thể bạn chưa thể xác định được nguyên nhân gây sốt. Vì thế, việc biết được những dấu hiệu của bệnh để đến cơ sở y tế kịp thời là rất cần thiết. Nếu bạn sốt 3-4 ngày kèm theo mệt mỏi, buồn nôn và phát ban thì bạn nên sớm đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng, kịp thời.