☰ MỤC LỤC
F.A.S.T là từ viết tắt tương ứng với mỗi dấu hiệu cảnh báo theo nghĩa tiếng Anh nhằm giúp cộng đồng dễ nhớ, bên cạnh đó từ này cũng có ý nghĩa trong tiếng Anh là NHANH CHÓNG.
Đột quỵ là gì?
- Đột quỵ là tình trạng mạch máu bị vỡ khiến máu chảy vào nhu mô não, khoang dưới nhện, và não thất… hoặc khi mạch máu bị tắc nghẽn khiến cho dòng máu bình thường lên não bị chặn lại gây thiếu máu hoặc nhồi máu não. Trong vòng vài phút bị tước mất các chất dinh dưỡng thiết yếu bao gồm cả oxy, các tế bào não bắt đầu chết – quá trình này có thể liên tục trong một vài giờ tiếp theo.
- Cần tìm kiếm sự trợ giúp của y tế ngay lập tức. Đột quỵ là một cấp cứu thực sự. Điều trị càng sớm thì càng làm giảm thiểu được các tổn thương não. Tận dụng từng giây từng phút.
- Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ bao gồm: có huyết áp cao, có tiền sử bị đột quỵ, hút thuốc lá, có bệnh đái tháo đường và tim mạch. Nguy cơ đột quỵ cũng tăng theo độ tuổi.
Làm thế nào để phát hiện đột quỵ não?
– Trong trường hợp có thể có đột quỵ, sử dụng từ viết tắt FAST để giúp ghi nhớ các dấu hiệu cảnh báo:
- Face (mặt) – Có xệ mặt một bên trong khi cố gắng mỉm cười không?
- Arms (tay) – Một cánh tay có thấp hơn trong khi cố gắng giơ cả hai tay lên không?
- Speech (lời nói) – Có thể nói và nhắc lại một câu đơn giản được không? Có nói lắp hoặc nói kỳ lạ (khó hiểu) hay không?
- Time (thời gian) – Thời gian đột quỵ được tính tới từng giây từng phút. Nếu phát hiện được bất cứ dấu hiệu nào thì gọi số 115 hoặc số dịch vụ y tế cấp cứu tại địa phương bạn ngay lập tức.
* Ghi chú: khi đưa ra cụm từ viết tắt F.A.S.T. (tương ứng với mỗi dấu hiệu cảnh báo theo nghĩa tiếng Anh), ngoài mục đích giúp cộng đồng dễ nhớ thì nó còn có ý nghĩa trong tiếng Anh là NHANH CHÓNG
– Các dấu hiệu và triệu chứng khác của đột quỵ bao gồm:
- Yếu hoặc tê một nửa người, bao gồm cả hai chân
- Giảm hoặc mất thị lực, đặc biệt là ở một bên mắt
- Đau đầu dữ dội – đau đầu đột ngột – đau đầu không có nguyên nhân rõ ràng
- Chóng mặt, đứng không vững hoặc đột ngột ngã mà không rõ nguyên nhân, đặc biệt nếu có kèm với bất cứ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khác.
Bạn có thể giúp đỡ bệnh nhân như thế nào?
– Nếu bệnh nhân bất tỉnh và thở bình thường, hoặc nếu không hoàn toàn tỉnh táo:
- Đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở một vị trí thuận lợi (tư thế nằm nghiêng an toàn)
- Gọi thêm người hỗ trợ và gọi số điện thoại cấp cứu 115 hoặc số điện thoại dịch vụ cấp cứu y tế tại địa phương bạn ngay lập tức.
- Điều quan trọng đối với bệnh nhân là được đánh giá càng sớm càng tốt bởi vì điều trị phải được bắt đầu trong vòng 1 – 2 giờ đầu sau đột quỵ nếu máu đông gây tắc mạch não.
– Nếu bệnh nhân còn tỉnh:
- Hỗ trợ bệnh nhân còn tỉnh táo ở một tư thế thoải mái nhất
- Đắp chăn cho bệnh nhân để làm giảm mất nhiệt nếu thời tiết lạnh
- Gọi thêm người hỗ trợ và gọi số điện thoại cấp cứu 115 hoặc số điện thoại dịch vụ cấp cứu y tế tại địa phương bạn ngay lập tức.
- Trong khi đợi xe cứu thương đến hoặc đợi người hỗ trợ đưa bệnh nhân đi bệnh viện, cần theo dõi bệnh nhân chặt chẽ nhằm phát hiện bất cứ sự thay đổi tình trạng nào.
- Nếu có bất cứ dấu hiệu suy giảm tình trạng ý thức nào của bệnh nhân, đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở một vị trí thuận lợi (tư thế nằm nghiêng an toàn).
Tư thế an toàn
Tư thế nằm nghiêng an toàn cho bệnh nhân hay tư thế hồi sức cấp cứu là tư thế nhằm để bảo vệ đường thở của bệnh nhân, là ưu tiên cao nhất đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Ở người bệnh hôn mê, khi nằm ngửa, do trọng lực làm hàm rơi ra phía sau, lưỡi bị tụt xuống và làm lấp tắc đường thở. Nếu bệnh nhân nôn trong khi đang nằm ngửa, người bệnh dễ dàng hít phải các chất nôn vào phổi gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp rất nguy hiểm. Khi đặt bệnh nhân nằm nghiêng về một bên, các chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài.
Tất cả các bệnh nhân hôn mê đều nên được đặt ở tư thế nằm nghiêng an toàn, trừ khi nghi ngờ có chấn thương cột sống: bệnh cảnh chấn thương, liệt chân, đại tiểu tiện không tự chủ.
Đặt bệnh nhân nằm nghiêng, tay trên gấp, tay dưới duỗi thẳng ra trước mặt, chân trên co, chân dưới duỗi thẳng. Có thể dùng vải hoặc gối để kê giữ nguyên bệnh nhân ở tư thế như vậy.
Nguồn: Bác sĩ Lương Quốc Chính – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai