☰ MỤC LỤC
- Hút đàm nhớt trong chăm sóc bệnh nhân mở khí quản là kỹ thuật làm sạch và thông đường hô hấp của bệnh nhân mở khí quản. Việc thực hiện kỹ thuật hút đàm nhớt cần đảm bảo đúng quy trình để tránh những tai biến có thể xảy ra cho người bệnh như thiếu oxy, nhiễm khuẩn đường hô hấp, tổn thương niêm mạc đường hô hấp.
- 1. Khi nào người bệnh cần được hút đàm nhớt?
- 2. Mục đích của việc hút đàm nhớt:
- 4. Có các phương pháp hút đàm nhớt nào?
- 5. Những điểm cần lưu ý khi hút đờm nhớt
- 6. Bảng kiểm hướng dẫn học kỹ năng hút thông đường hô hấp trên
- 7. Bảng kiếm hướng dẫn học kỹ năng hút thông đường hô hấp trên qua nội khí quản hoặc mở khí quản
- 8. Lời kết
Hút đàm nhớt trong chăm sóc bệnh nhân mở khí quản là kỹ thuật làm sạch và thông đường hô hấp của bệnh nhân mở khí quản. Việc thực hiện kỹ thuật hút đàm nhớt cần đảm bảo đúng quy trình để tránh những tai biến có thể xảy ra cho người bệnh như thiếu oxy, nhiễm khuẩn đường hô hấp, tổn thương niêm mạc đường hô hấp.
1. Khi nào người bệnh cần được hút đàm nhớt?
- Người bệnh nhiều đàm nhớt, không tự khạc được.
- Trẻ hôn mê, động kinh, co giật.
- Người bệnh có ống nội khí quản hoặc mở khí quản.
2. Mục đích của việc hút đàm nhớt:
- Làm sạch dịch xuất tiết để thông đường hô hấp.
- Tạo thuận lợi cho sự lưu thông trao đổi khí.
- Lấy dịch xuất tiết để chẩn đoán.
- Phòng nhiễm khuẩn do dịch tích tụ.
- Hút sâu kích thích phản xạ ho.
- Tránh các biến chứng ở hệ hô hấp.
4. Có các phương pháp hút đàm nhớt nào?
- Đường hô hấp trên: mũi, hầu họng.
- Đường hô hấp dưới: từ hầu thanh quản đến khí quản, phế quản.
5. Những điểm cần lưu ý khi hút đờm nhớt
- Khi hút cần lưu ý sự tăng tiết đờm nhớt do ống hút kích thích và làm người bệnh thiếu oxy khi hút nhiều lần và thời gian hút quá lâu.
- Đưa ống sâu đến khi người bệnh có phản xạ ho là được, không nên đưa ống sâu quá vì có thể gây kích thích dây thần kinh X.
- Hút thông đường hô hấp dưới dễ làm nhịp tim chậm và đôi khi ngừng nên cần phải theo dõi sát người bệnh trong suốt thời gian hút, nhất là lần hút đầu tiên.
- Đưa ống hút vào đúng vị trí, giai đoạn hít vào (nắp thanh quản mở).
- Trong lúc ống hút đang di chuyển vào, không nên thực hiện hút.
- Người bệnh nằm đầu ngửa tối đa với tư thế này việc hút đờm sẽ dễ dàng.
- Thời gian mỗi lần hút không quá 15 giây (thời gian mỗi động tác hút bằng với thời gian nhịp thở của người điều dưỡng).
- Tổng thời gian hút không quá 5 phút.
- Hút thông đường hô hấp dưới dễ kích thích thần kinh X cần phải theo dõi sát người bệnh.
- Kỹ thuật hút phải nhẹ nhàng.
- Đưa ống vào đúng vị trí rồi mới hút.
- Nên tăng nồng độ oxy 100% 3 phút trước và sau khi hút, bồi hoàn lại lượng dưỡng khí đã mất trong quá trình hút hoặc cho người bệnh hít thở sâu.
- Nếu đờm quá đặc có thể bơm 4-5 ml NaCl 0,9% trước khi hút.
- Dùng ống thông hút riêng biệt: một cho đường mũi, miệng, một cho lỗ khai khí quản.
- Trong khi hút nếu người bệnh có phản xạ buồn nôn thì nên kiểm tra vị trí ống hút có lạc vào thực quản hay không.
- Kích cỡ ống hút thích hợp:
- Người lớn: 12-18 Fr
- Trẻ em: 8-10 Fr
- Sơ sinh: 5-8 Fr
- Áp lực hút đờm nhớt: Có 3 mức của áp lực hút:
- Áp lực cao: 120-150 mmHg
- Áp lực trung bình: 80-120 mmHg
- Áp lực thấp: dưới 80 mmHg
6. Bảng kiểm hướng dẫn học kỹ năng hút thông đường hô hấp trên
STT | Nội dung | Ý nghĩa | Tiêu chuẩn cần đạt |
1 | Báo và giải thích cho người bệnh (nếu được). | Giúp người bệnh an tâm và hợp tác. | ân cần, cảm thông, thấu hiểu. |
2 | Chuẩn bị tư thế người bệnh thích hợp. | Người bệnh tiện nghi, giúp cho việc thông khí được dễ dàng. | Tư thế người bệnh tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh. |
3 | Trải khăn bông. | Tránh chất tiết dính lên áo người bệnh. | Trải khăn choàng qua cổ. |
4 | Tăng oxy lên 100% cho thở trong 1-2 phút. | Bù lượng oxy mất do hút đờm. | Nếu đang thở oxy hoặc cho người bệnh hít thở sâu. |
5 | Mở khay vô khuẩn. | Bộc lộ dụng cụ. | áp dụng kỹ thuật vô khuẩn khi mở mâm. |
6 | Mang găng tay vô khuẩn. | Đảm bảo sự vô khuẩn cho kỹ thuật. | Tay chưa mang găng không chạm vào mặt ngoài của găng. |
7 | Gắn ống hút vào dây nối an toàn. | Duy trì tình trạng vô khuẩn cho ống hút đờm. | Tay thuận làm tay vô khuẩn, tay không thuận làm tay sạch. |
8 | Hút nước thử máy. | Kiểm tra hệ thống máy hút trước khi sử dụng. | áp dụng kỹ thuật vô khuẩn khi kiểm tra hệ thống máy hút. |
9 | Đưa ống hút vào mũi đến hầu. | Hút thông vị trí bị nghẹt đờm có ảnh hưởng đến hô hấp. | Đặt ống đúng vị trí mới được hút. |
10 | Mở máy hút. | Tránh làm tổn thương niêm mạc họng và khí quản khi hút. | Khi hút, vừa xoay ống, vừa rút từ từ ống ra. |
11 | Hút nước tráng ống. Tiếp tục hút đến sạch. | Tránh ngẹt đờm trong lòng ống. | Mỗi lần hút là nên hút lại nước NaCl 0,9%. |
12 | Tháo ống hút và găng tay cho vào túi giấy. | Xử lý chất thải đúng cách. | Tránh chạm vào vùng nhiễm khi tháo găng. |
13 | Quan sát người bệnh. | Theo dõi đánh giá sự thông khí của người bệnh. | Quan sát sắc mặt, da, niêm, tình trạng hô hấp có cải thiện không. |
14 | Cho bệnh nhận nằm tiện nghi, báo việc đã xong. | Giao tiếp. | Giúp người bệnh được tiện nghi. |
15 | Dọn dụng cụ, ghi vào hồ sơ. | Theo dõi và quản lý người bệnh. | Ghi lại những công việc đã làm. |
7. Bảng kiếm hướng dẫn học kỹ năng hút thông đường hô hấp trên qua nội khí quản hoặc mở khí quản
STT | Nội dung | ý nghĩa | Tiêu chuẩn cần đạt |
1 | Mang dụng cụ đến bên giường, báo và giải thích cho người bệnh. | Giúp người bệnh an tâm và hợp tác. | ân cần, cảm thông, thấu hiểu. |
2 | Cho người bệnh nằm ngửa, kê gối dưới vai. Bộc lộ nơi mở khí quản. | Người bệnh tiện nghi, giúp cho việc thông khí được dễ dàng. | Tư thế người bệnh tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh. |
3 | Trải khăn bông. | Tránh chất tiết dính lên áo người bệnh. | Trải khăn choàng qua cổ. |
4 | Tăng oxy lên 100% cho thở trong 1-2 phút (nếu có thở oxy). | Bù lượng oxy mất do hút đờm. | Nếu đang thở oxy hoặc cho người bệnh hít thở sâu. |
5 | Mở khay dụng cụ vô khuẩn. | Bộc lộ dụng cụ. | áp dụng kỹ thuật vô khuẩn khi mở mâm. |
6 | Mang găng tay vô khuẩn. | Đảm bảo sự vô khuẩn cho kỹ thuật. | Tay chưa mang găng không chạm vào mặt ngoài của găng. |
7 | Gắn ống hút vào dây nối an toàn. | Duy trì tình trạng vô khuẩn cho ống hút đờm. | Tay thuận làm tay vô khuẩn, tay không thuận làm tay sạch. |
8 | Hút nước thử máy. | Kiểm tra hệ thống máy hút trước khi sử dụng. | áp dụng kỹ thuật vô khuẩn khi kiểm tra hệ thống máy hút. |
9 | Đưa ống vào đúng vị trí (khoảng 8-12 cm). | Hút thông vị trí bị nghẹt đờm có ảnh hưởng đến hô hấp. | Đặt ống đúng vị trí mới được hút. |
10 | Mở máy hút. | Tránh làm tổn thương niêm mạc họng và khí quản khi hút. | Khi hút, vừa xoay ống, vừa rút từ từ ống ra. |
11 | Hút nước tráng ống, tiếp tục hút đến sạch | Tránh ngẹt đờm trong lòng ống | Mỗi lần hút là nên hút lại nước NaCl 0,9% |
12 | Bỏ ống hút đờm vào túi chứa chất thải y tế. | Xử lý chất thải đúng cách. | Tránh làm dính chất tiết vào người bệnh. |
13 | Gắn ống hút đờm mới vào dây nối. | Hút mũi miệng dùng ống hút riêng. | Tránh chạm vào vùng vô khuẩn của ống hút. |
14 | Hút đờm ở mũi miệng (giống như trên). | Làm thông đường hô hấp trên. | áp dụng giống như kỹ thuật hút thông đường hô hấp trên. |
15 | Quan sát người bệnh. | Theo dõi đánh giá sự thông khí của người bệnh. | Quan sát sắc mặt, da, niêm, tình trạng hô hấp có cải thiện không. |
16 | Cho người bệnh tiện nghi, báo và giải thích việc đã xong. | Giao tiếp. | Giúp người bệnh được tiện nghi. |
17 | Dọn dụng cụ, ghi vào hồ sơ. | Theo dõi và quản lý người bệnh. | Ghi lại những công việc đã làm. |
8. Lời kết
Trên đây là một số chia sẻ về quy trình kỹ thuật hút đàm nhớt trong chăm sóc bệnh nhân và những điểm cần lưu ý, nếu còn điều gì thắc mắc Quý bạn đọc đừng ngần ngại gửi những thắc mắc đó về cho ASIA Health để được các chuyên gia tư vấn miễn phí.