Thế giới ghi nhận hơn 90 triệu ca nhiễm và hơn 1,9 triệu người chết, nghiên cứu cho thấy vaccine Covid-19 của Pfizer chống lại hai biến chủng mới hiệu quả.
Thế giới đã ghi nhận 90.002.145 ca nhiễm và 1.932.977 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 773.717 và 13.759 ca so với 24 giờ trước, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers. 64.416.853 người đã bình phục sau khi nhiễm virus.
Trước lo ngại về nguy cơ các biến chủng mới của nCoV kháng vaccine, các chuyên gia đã nuôi cấy trong phòng thí nghiệm hai biến thể nCoV với đột biến N501Y, sau đó thử nghiệm với máu của 20 người được tiêm 2 liều vaccine Pfizer-BioNTech. Đột biến N501Y được cho là có thể giúp virus lẩn tránh miễn dịch do vaccine Covid-19 tạo ra.
Kết quả nghiên cứu ngày 7/1 cho thấy đột biến N501Y “không kháng lại phản ứng miễn dịch của vaccine Pfizer-BioNTech”. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý các mẫu nCoV được thử nghiệm không bao gồm toàn bộ biến chủng lây lan nhanh ở Anh hoặc Nam Phi.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 212.643 ca nhiễm và 2.843 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số người nhiễm lên 22.663.062, trong đó 381.088 người chết.
Tính đến 7/1, Mỹ đã phân phối 21 triệu liều vaccine khắp đất nước, tuy nhiên chỉ khoảng 6 triệu người đã được tiêm, mặc dù chính phủ từng đặt mục tiêu tiêm cho 20 triệu người vào năm 2020. Khoảng 15 triệu liều còn lại đang nằm trong tủ đông tại các bệnh viện và phòng khám trên toàn quốc để chờ sử dụng.
Tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 8/1 chỉ trích việc phân phối vaccine của chính quyền Trump. Phát ngôn viên của ông cho biết chính quyền mới có kế hoạch tung ra mọi liều vaccine Covid-19 sản xuất trong nước hiện có, thay vì giữ lại một nửa nguồn cung để đảm bảo mọi người được tiêm nhắc lại đúng hạn.
Tuy nhiên, không rõ kế hoạch này sẽ giải quyết vấn đề như thế nào, vì vấn đề chính ở Mỹ hiện nay không phải là khan hiếm vaccine mà là việc triển khai tiêm chủng chậm chạp.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 18.813 ca nhiễm và 213 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.451.339 và 151.048.
Cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ ngày 3/1 phê duyệt hai vaccine Covid-19 cho sử dụng khẩn cấp, một loại là vaccine do công ty dược phẩm AstraZeneca phối hợp cùng Đại học Oxford, Anh, phát triển, và loại còn lại là vaccine mang tên COVAXIN do công ty Ấn Độ Bharat Biotech nghiên cứu.
Quốc gia đông dân thứ hai thế giới này dự kiến bắt đầu chương trình tiêm chủng Covid-19 quy mô lớn trong vài tuần nữa với chủ đạo là vaccine AstraZeneca-Oxford, trong khi vaccine COVAXIN sẽ được quản lý với điều kiện nghiêm ngặt hơn do chưa có dữ liệu nào về tính hiệu quả được công bố.
Ấn Độ đã đình chỉ tất cả chuyến bay từ Anh từ ngày 23/12 tới ngày 7/1 do lo ngại nguy cơ lây lan chủng nCoV mới, nhưng khoảng 33.000 hành khách từ Anh đã bay đến nước này từ cuối tháng 11, trước khi lệnh cấm được thực thi.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 1.115 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 202.657. Số người nhiễm nCoV tăng 60.078 ca trong 24 giờ qua, lên 8.075.998.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 23.309 ca nhiễm nCoV và 470 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.379.103 và 61.381.
Nga triển khai tiêm vaccine Sputnik V trong chương trình tiêm chủng quốc gia vào đầu tháng 12/2020, tập trung vào nhóm chịu rủi ro cao. Nga ngày 6/1 thông báo họ đã tiêm chủng cho một triệu người và không ghi nhận phản ứng phụ có hại nào.
Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận 3.017.409 ca nhiễm và 80.868 ca tử vong, tăng lần lượt 59.937 và 1.035 ca. Tình hình dịch bệnh tại nước này diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của chủng nCoV mới, được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng ban đầu.
Điện Buckingham thông báo Nữ hoàng Anh Elizabeth và phu quân, Công tước xứ Edinburg Philip, đã được tiêm vaccine Covid-19 ngày 9/1, song không tiết lộ hãng sản xuất. Nữ hoàng Elizabeth, 94 tuổi, và Hoàng thân Philip, 99 tuổi, đều thuộc diện khuyến cáo tiêm vaccine Covid-19 của chính phủ Anh.
Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 20.177 ca nhiễm và 168 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.767.312 và 67.599.
Pháp hiện bị chỉ trích vì triển khai vaccine chậm hơn nhiều các quốc gia châu Âu khác. Kể từ 27/12 đến 6/1, Pháp tiêm phòng cho 7.000 người, trong khi Đức tiêm cho hàng trăm nghìn người trong cùng khoảng thời gian.
Hàn Quốc ghi nhận 67.999 ca nhiễm và 1.100 ca tử vong, tăng lần lượt 641 và 19.
Chính phủ Hàn Quốc áp đặt các hạn chế như cấm tụ tập trên 4 người, đình chỉ các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết, các cơ sở thể thao trong nhà cho đến 17/1. Tuy nhiên, các trung tâm taekwondo và ba lê, được đăng ký là học viện tư, được phép mở lớp học tối đa 9 người.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 818.386 ca nhiễm, tăng 10.046, trong đó 23.947 người chết, tăng 194.
Indonesia đã cấm mọi du khách đến từ Anh và thắt chặt quy định với người đến từ châu Âu và Australia để hạn chế lây lan biến chủng virus. Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết đất nước sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng diện rộng vào 13/1.
Bộ trưởng Y tế Indonesia nói nước này dự kiến cần tiêm chủng cho 181,5 triệu người, khoảng 67% dân số, để đạt được miễn dịch cộng đồng. Vaccine dự kiến được tiêm chủng miễn phí, thời gian triển khai dài 15 tháng.
Philippines báo cáo 485.797 ca nhiễm và 9.398 ca tử vong, tăng lần lượt 1.952 và 34 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.
Kể từ 2/1, Philippines cấm người đến từ Mỹ sau khi nước này phát hiện thêm ca nhiễm chủng nCoV mới từ Anh. Trước đó, Philippines cấm nhập cảnh với hành khách từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ phát hiện chủng nCoV mới từ 29/12.
Thái Lan ghi nhận thêm 212 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số ca nhiễm lên 10.053, trong đó 67 người chết.
Trung tâm điều phối Covid-19 của Thái Lan cảnh báo số ca nhiễm mới theo ngày có thể tăng lên hơn 10.000 vào cuối tháng này nếu chính phủ không áp đặt thêm nhiều biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế virus.
Nguyễn Tiến (Theo AFP, Reuters)
Nguồn: VnExpress