ZaloĐặt hẹn

Tổng quan về bệnh sán lá gan lớn ở người

Sán lá gan lớn ở người là bệnh lý nhiễm ký sinh trùng, gây ra bởi hai tác nhân có tên khoa học là Fasciola hepattca và Fasciola gigantlca. Sán lá gan lớn không những gây tổn thương gan mà còn làm ảnh hưởng đến toàn thân, gây ăn uống kém, sụt cân và làm người bệnh suy kiệt.

1. Tổng quan về bệnh sán lá gan lớn ở người

Sán lá gan lớn ở người là bệnh lý nhiễm ký sinh trùng, gây ra bởi hai tác nhân có tên khoa học là Fasciola hepattca và Fasciola gigantlca. Trong đó, loài Fasciola gigantica được phân bố chủ yếu ở Châu Á với các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam. Trong khi đó, loài Fasciola hepatica lại phân bố chủ yếu ở Châu Âu, Nam Mỹ, Châu Phi và chỉ một ít vùng ở Châu Á.

hinh anh san la gan lon o nguoi
Hình ảnh ký sinh trùng sán lá gan lớn

Người không phải là ký chủ chính của sán lá gan lớn, mà chỉ là vật chủ ngẫu nhiên, tình cờ mắc bệnh. Các loài động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu mới là ký chủ chính. Đồng thời, sán lá gan còn có ký chỉ trung gian là các loài ốc sống trong nước, bùn lầy.

Do đó, khi  ăn ốc chưa chế biến chín hay ăn sống các loại rau, lá mọc dưới nước như rau nhút, rau cần, cải xoong, ngó sen… hoặc uống nước có nhiễm ấu trùng sán chưa nấu chín thì dễ bị nhiễm sán lá gan lớn.

hinh anh san la gan lon o gan cuu
Hình ảnh sán lá gan lớn ký sinh ở gan cừu

2. Triệu chứng của bệnh sán lá gan lớn ở người

Các biểu hiện bên ngoài của bệnh do sán lá gan lớn gây nên thường không có dấu hiệu đặc trưng, tùy thuộc vào giai đoạn phát triển và vị trí sán ký sinh, cũng như số lượng ấu trùng sán xâm nhập vào cơ thể người. Tuy nhiên, có thể liệt kê dưới đây các dấu hiệu thường gặp ở người mắc bệnh sán lá gan:

  • Mệt mỏi, sút cân, suy kiệt không rõ nguyên nhân. Trẻ em thì chậm lớn, suy dinh dưỡng.
  • Ăn uống kém, thất thường, cảm giác chán ăn.
  • Đau bụng vùng hạ sườn phải, lan về phía sau hoặc vùng thượng vị – mũi ức. Có thể đau âm ỉ, đôi khi dữ dội, cũng có trường hợp không đau bụng.
  • Rối loạn chức năng đường ruột với triệu chứng buồn nôn, nôn ói, đầy bụng, chậm tiêu.
  • Có các cơn sốt thất thường như sốt cao, sốt kèm rét run hoặc chỉ sốt âm ỉ mơ hồ thoáng qua rồi tự hết hay có thể sốt kéo dài chưa rõ nguyên nhân.
  • Hội chứng thiếu máu mạn tính với dấu hiệu da xanh, móng tay trắng, niêm mạc mắt, môi, lưỡi nhợt nhạt.
  • Đối với các trường hợp sán lá gan lớn gây ra biến chứng tắc nghẽn các ống tiết trên đường tiêu hóa, người bệnh sẽ có các biểu hiện như: vàng da tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hoá…

Khi thấy có các triệu chứng đã nêu ở trên, người bệnh cần đi xét nghiệm chẩn đoán sán lá gan lớn. Nếu được phát hiện sớm, việc điều trị nhiễm sán lá gan lớn khá dễ dàng.

3. Các xét nghiệm phát hiện bệnh sán lá gan lớn ở người

Các xét nghiệm bệnh sán lá gan lớn thường không tốn kém ,thời gian xét nghiệm cũng nhanh (24 giờ) nên có thể thực hiện sớm, tránh để xảy ra trường hợp nhầm lẫn với các bệnh lý về gan mật khác, đặc biệt ung thư gan.

Phương pháp xét nghiệm san lá gan lớn chủ yếu là phản ứng miễn dịch, xét nghiệm công thức máu (tăng bạch cầu ái toan). Ngoài ra, có thể sử dụng một số chẩn đoán hỗ trợ như X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ…

Xét nghiệm cận lâm sàng ghi nhận kết quả test Elisa với sán lá gan dương tính (+), tỷ lệ bạch cầu ái toan tăng trên 8% (có thể lên tới 80%).

Siêu âm gan hoặc chụp CT scan cho thấy có tổn thương dạng sán lá gan lớn tại gan. Xét nghiệm dịch tá tràng hoặc phân cũng có thể tìm thấy trứng sán lá gan lớn.

Cần lưu ý rằng xét nghiệm kháng thể trong huyết thanh chỉ giúp chẩn đoán bệnh mà không giúp theo dõi, đánh giá hiệu quả điều trị bệnh vì nồng độ kháng thể có thể tồn tại rất lâu dài sau điều trị.

4. Điều trị bệnh sán lá gan lớn ở người

4.1. Điều trị đặc hiệu

Thuốc được lựa chọn để điều trị đặc hiệu sán lá gan lớn là Triclabendazole 250mg

  • Liều lượng: 10 mg/kg cân nặng. Liều duy nhất. Uống với nước đun sôi để nguội. Uống sau khi ăn no.
  • Chống chỉ định: người đang bị bệnh cấp tính khác; phụ nữ có thai; phụ nữ đang cho con bú; người có tiền sử mẫn cảm với thuốc hoặc một trong các thành phần của thuốc; người đang vận hành máy móc, tàu xe; người bệnh trong giai đoạn cấp của các bệnh mạn tính về gan, thận, tim mạch. . .

4.2. Điều trị hỗ trợ

  • Sử dụng kháng sinh nếu có bội nhiễm. .
  • Với các trường hợp có ổ áp xe gan kích thước lớn trên 6 cm mà điều trị bằng thuốc theo hướng dẫn không có hiệu quả, có thể phối hợp với chọc hút ổ áp xe.

4.3. Theo dõi và đánh giá kết quả

– Thời gian theo dõi: người bệnh được theo dõi tại cơ sở khám chữa bệnh ít nhất 03 ngày kể từ ngày uống thuốc; khám lại sau 3 tháng, 6 tháng điều trị.

– Các chỉ số đánh giá sau 3, 6 tháng điều trị:

  • Lâm sàng: các triệu chứng lâm sàng giảm hoặc hết.
  • Số lượng bạch cầu ái toan trở về bình thường hoặc giảm
  • Siêu âm gan: kích thước ổ tổn thương gan giảm.
  • Xét nghiệm phân hoặc dịch mật không còn trứng sán lá gan lớn.

– Các triệu chứng trên không giảm:

  • Cần chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân khác. Nếu xác định là sán lá gan lớn, cần điều trị bằrlg Triclabendazole lần thứ 2 với liều 20mg/kg cân nặng, chia 2 lần uống cách nhau 12 đến 24 giờ.

5. Phòng chống bệnh sán lá gan lớn

Sán lá gan lớn là bệnh nguy hiểm, việc nhiễm bệnh liên quan đến thói quen và tập quán ăn uống của chúng ta, vì vậy phòng bệnh là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Để phòng bệnh sán lá gan lớn, chúng ta cần:

  • Không ăn sống các loại rau nọc dưới nước;
  • Không uống nước lã;
  • Người nghi ngờ nhiễm sán lá gan lớn phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Chủ động phát hiện và điều trị sớm bệnh sán lá gan lớn tại vùng lưu hành bệnh.

Tham khảo:

4.5/5 - (4 bình chọn)
Scroll to Top