☰ MỤC LỤC
- Tư thế an toàn cho bệnh nhân cấp cứu là những tư thế giúp làm giảm nhẹ tình trạng rối loạn chức năng sống của người bệnh, hạn chế tiến triển và các biến chứng của bệnh, giúp cho việc cấp cứu người bệnh có hiệu quả hơn.
Tư thế an toàn cho bệnh nhân cấp cứu là những tư thế giúp làm giảm nhẹ tình trạng rối loạn chức năng sống của người bệnh, hạn chế tiến triển và các biến chứng của bệnh, giúp cho việc cấp cứu người bệnh có hiệu quả hơn.
1. Thế nào là tư thế an toàn cho bệnh nhân cấp cứu
Người bệnh cấp cứu thường ở trong tình trạng có các chức năng sống không ổn định. Đặt người bệnh ở tư thế thích hợp sẽ góp phần làm giảm nhẹ tình trạng rối loạn chức năng sống của người bệnh, hạn chế tiến triển và các biến chứng của bệnh, giúp cho việc cấp cứu người bệnh có hiệu quả hơn.
2. Các tư thế an toàn cho người bệnh cấp cứu thường sử dụng trên lâm sàng
2.1. Tư thế nằm ngửa đầu bằng
- Đặt người bệnh nằm ngửa, đầu bằng trên giường hoặc cáng (không gối đầu hoặc nâng cao đầu giường).
- Tư thế này thường áp dụng cho các trường hợp như tụt huyết áp, người bệnh chấn thương cột sông, các cấp cứu cơ bản về hô hấp, tuần hoàn như bóp bóng qua mặt nạ, ép tim ngoài lồng ngực.
2.2. Tư thế nằm ngửa, chân cao
- Đặt người bệnh nằm ngửa, kê chân cao. Tư thế này có tác dụng dồn máu ở chân về tim và giảm bớt tình trạng ứ trệ máu ở hai chân.
- Tư thế này thường được áp dụng cho người bệnh bị mất máu nhiều, giảm thể tích tuần hoàn nặng, phù do tư thế… Tư thế này không được áp dụng cho người bệnh bị gãy chân hoặc vỡ xương chậu.
2.3. Tư thế nằm ngửa, đầu cao
- Đặt người bệnh nằm ngửa, nâng đầu giường, đầu cáng hoặc kê gối lên cao tùy theo tình trạng người bệnh và chỉ định của bác sĩ thường nâng cao khoảng 30 độ.
- Tư thế này có tác dụng giúp thuận lợị cho tuần hoàn tĩnh mạch từ não trở về, giảm phù não. Tư thế này cũng giúp người bệnh dễ thở hơn, giảm được nguy cơ bị trào ngược và sặc vào phổi, đặc biệt là thích hợp cho các người bệnh chấn thương sọ não, tai biến mạch não, tăng áp lực nội sọ, nói chung đây là tư thế thích hợp cho đa số các người bệnh cấp cứu nếu không có rối loạn huyết động.
- Tuy vậy, tư thế này cũng có nguy cơ ảnh hưởng không tốt lên người bệnh rối loạn huyết động, làm giảm tưới máu não nếu người bệnh bị tụt huyết áp.
2.4. Tư thế nằm nghiêng an toàn
- Đặt người bệnh nằm nghiêng về một bên, má áp xuống mặt giường, có thể đầu bằng hoặc đầu cao. Tư thế này có tác dụng giải phóng đường thở, tránh bị tụt lưỡi, dẫn lưu đờm dãi họng miệng ra ngoài, bạn chế nguy cơ hít vào phổi đặc biệt trong trường hợp người bệnh nôn.
- Tư thế này thuờng được áp dụng cho người bệnh có rỗi loạn ý thức nhưng chưa có rối loạn hô hấp, tuần hoàn. Tuy vậy tư thế này cũng gây khó khăn khi chăm sóc và theo dõi hô hấp và huyết động của người bệnh.
2.5. Tư thế nằm nửa ngồi (tư thế fowler)
- Đặt người bệnh nằm đầu cao 45 – 60° (nửa ngồi) hoặc đặt người bệnh ngồi trên giường tựa lưng vào đầu giường nâng cao, chân duỗi thẳng hoặc đặt thấp xuống cạnh giường.
- Tư thế này có tác dụng làm cơ hoành dễ di động hơn, giảm đè ép của các tạng trong ổ bụng lên khoang ngực, làm giảm tuần hoàn tĩnh mạch trở về tím nên thuận lợi cho các cấp cứu như phù phổi cấp, suy tim, khó thở cấp.
- Không nên áp dụng tư thế này cho các người bệnh có rối loạn ý thức nặng, tụt huyết áp.
3. Lựa chọn tư thế thích hợp cho người bệnh cấp cứu
- Người tiếp nhận người bệnh cấp cứu cần lựa chọn tư thế thích hợp và đặt ngay người bệnh vào tư thế đó, sau đó tiếp tục thực hiện các biện pháp đánh giá, cấp cứu, chăm sóc và theo dõi người bệnh. Trong suốt quá trình đó, cần đánh giá chặt chẽ diễn biến của người bệnh để lựa chọn lại tư thế phù hợp với diễn biến của người bệnh.
- Tư thế nằm đầu cao và nghiêng an toàn thích hợp với đa số người bệnh có tình trạng cấp cứu. Tuy vậy, cần chú ý với các người bệnh có rối loạn ý thức nặng hoặc rối loạn huyết động nặng.
- Đối với những người bệnh còn tỉnh táo người bệnh thường tự chọn một tư thế mà tự người bệnh cảm thấy dễ chịu nhất, trong trường hợp đó, nếu thấy tư thế người bệnh tự chọn là phù hợp, không có chổng chỉ định thì nên để người bệnh ở tư thế đó.