ZaloĐặt hẹn

Quy trình thay băng điều trị vết thương mạn tính – Bộ Y tế

Thông thường, vết thương sẽ liền trong vòng 4 – 6 tuần. Tuy nhiên, có nhiều vết thương chưa liền trong vòng 6 tuần và người ta xếp các vết thương đó vào nhóm vết thương khó lành, vết thương mạn tính. Dưới đây là quy trình thay băng điều trị vết thương mạn tính của nhà xuất bản Bộ Y tế.

quy trinh thay bang vet thuong man tinh byt
Hình ảnh minh hoạ.

Các vết thương khó lành, vết thương mạn tính ngày càng phổ biến trong đời sống theo cùng sự phát triển của kinh tế xã hội và tuổi thọ của dân chúng, thường gặp trong bỏng nặng, vết thương ngoại khoa có biến chứng, vết thương là hậu quả của bệnh lý mạch máu, đái đường, xạ trị, tỳ đè, bệnh lý miễn dịch da, …

Điều trị vết thương mạn tính rất khó khăn, phức tạp, là một thách thức lớn, đòi hỏi tổng hợp nhiều biện pháp điều trị trong một thời gian dài, trong đó vấn đề thay băng đóng vai trò quan trọng.

1. CHỈ ĐỊNH

  • Tất cả các loại vết thương mạn tính, mục đích nhằm:
  • Loại bỏ tổ chức hoại tử, dịch tiết, dịch mủ, …
  • Đưa thuốc và vật liệu vào điều trị tại chỗ
  • Bổ xung chẩn đoán, theo dõi tiến triển của vết thương.

2. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có chống chỉ định tuyệt đối. Cần chú ý trong các trường hợp bị suy hô hấp, tuần hoàn đe dọa tính mạng người bệnh.

3. CHUẨN BỊ

  • Người thực hiện
  • Kíp thay băng tối thiểu 3 người: 1 bác sĩ điều trị, 2 điều dưỡng chuyên khoa bỏng hay chấn thương (1 hữu trùng giúp ngoài, 1 vô trùng), được đào tạo.
  • Kíp gây mê (nếu cần): Bác sỹ gây mê và kỹ thuật viên gây mê.

3.1. Phương tiện

– Dụng cụ:

  • Mỗi người bệnh cần thay băng theo khẩu phần riêng, bao gồm cơ bản:
  • Khay quả đậu, bông, băng, gạc, vải vô khuẩn.
  • Nỉa có mấu và không mấu, kéo cong, kéo thẳng, găng tay. Nên có sẵn những dụng cụ cầm máu như pince, kìm cầm kim…
  • Xô đựng đồ bẩn.

– Thuốc thay băng:

Các dung dịch sát khuẩn dùng để rửa vết bỏng: Dung dịch Natriclorid 0,9%; dung dịch becberin 1%; dung dịch PVP iodine 10%, ngoài ra có thể dùng dung dịch acid boric 2-4%; nitrat bạc 0,5%,…

– Người bệnh

  • Giải thích động viên người bệnh
  • Dặn người bệnh nhịn ăn trước 6 giờ nếu phải gây mê.

– Hồ sơ bệnh án

  • Chuẩn bị hồ sơ bệnh án theo quy định, các xét nghiệm liên quan.

– Địa điểm thay băng

  • Buồng thay băng hoặc buồng bệnh (buồng bệnh nặng hoặc buồng bệnh hồi sức cấp cứu).
  • Yêu cầu: có đủ các trang bị hồi sức: máy thở; nguồn cung cấp oxy; máy hút; monitor theo dõi người bệnh; các dụng cụ và thuốc cấp cứu cần thiết khác.

4. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

  1. Vô cảm: Dùng thuốc giảm đau hoặc gây mê, gây tê đám rối thần kinh (nếu cần).
  2. Kỹ thuật: Nhân viên đội mũ, đeo mạng, rửa tay và đi găng vô khuẩn.
  3. Mở hộp dụng cụ và xắp xếp dụng cụ thuận tiên cho việc thay băng.
  4. Trải tấm nylon lót dưới vùng thay băng
  5. Bộc lộ vùng tổn thương. Dùng cồn 700, ete lau rửa vùng da lành quanh vết thương.
  6. Lau rửa vết thương bằng nước muối sinh lý, dung dịch sát khuẩn.
  7. Cắt lọc tổ chức hoại tử, lấy bỏ máu tụ, giả mạc, dịch tiết mủ, cầm máu.
  8. Rửa lại vết thương 2 -3 lần bằng nước muối sinh lý, dung dịch thuốc sát khuẩn, thấm khô
  9. Đặt gạc thuốc hoặc các loại vật liệu sinh học (theo chỉ định)
  10. Phủ 4 – 6 lớp gạc khô, băng ép vừa phải

5. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

– Toàn thân

  • Theo dõi trạng thái toàn thân, mạch, nhiệt độ, huyết áp…sau thay băng. Theo dõi sau gây mê chặt chẽ, kịp thời để xứ lý.
  • Người bệnh choáng, ngất trong và sau thay băng: Tạm dừng thay băng, đặt nằm chỗ thoáng, mát, cho thở oxy, thuốc trợ tim. Khi người bệnh tỉnh, trở lại trạng ổn định cho phép mới thay băng tiếp.
  • Tình trạng đau đớn sau thay băng như kêu đau, rét run hoặc sốt cao: tiếp tục dùng giảm đau, ủ ấm, hạ sốt…

– Tại chỗ

  • Chảy máu: Thay băng lại vùng chảy máu, đắp nước muối ấm, băng ép hoặc khâu cầm máu nếu cần, lấy sạch máu cục, đắp lại gạc thuốc, gạc vaseline và gạc khô, băng ép.
  • Nhiễm khuẩn: kháng sinh, thuốc chống nhiễm khuẩn tại chỗ.

Nguồn: VJcare (ST)

Đánh giá

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top