Axit béo Omega 3 có lợi cho tim mạch, huyết áp, phát triển não bộ, cải thiện thị lực,… Tuy nhiên, nếu bổ sung quá nhiều Omega 3, bạn có thể gặp phải các tác dụng phụ như: tiêu chảy, tụt huyết áp, mất ngủ,…
Omega 3 là một họ gồm các axit béo đóng vai trò thiết yếu trong cơ thể và có lợi cho sức khỏe, vì cơ thể bạn không thể tự sản xuất ra Omega 3, bạn phải bổ sung chúng từ chế độ ăn uống hàng ngày. Ba loại axit quan trọng nhất trong gia đình Omega 3 là ALA (axit alpha-linolenic), DHA (axit docosahexaenoic) và EPA (axit eicosapentaenoic).
Axit béo Omega 3, đặc biệt là DHA, rất quan trọng đối với não và võng mạc, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai và cho con bú. Việc cung cấp đủ DHA trong thai kỳ sẽ mang nhiều lợi ích về sức khỏe và trí thông minh của em bé. Ngoài ra, nếu Omega 3 được bổ sung đầy đủ cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho người lớn, đặc biệt là hai loại DHA và EPA.
Tuy nhiên, nếu bổ sung quá nhiều Omega 3, bạn có nguy cơ gặp phải 05 tác dụng phụ tiềm ẩn như liệt kê dưới đây:
1. Tiêu chảy
Tiêu chảy là một trong những tác dụng phụ thường gặp nhất khi dùng dầu cá, có thể đặc biệt phổ biến khi dùng liều cao. Ngoài dầu cá, loại thực phẩm bổ sung Omega 3 khác cũng có thể gây nên tình trạng này. Nếu bạn bị tiêu chảy sau khi dùng axit béo Omega 3 thì nên cân nhắc giảm liều lượng để giảm triệu chứng.
2. Mất ngủ
Một số nghiên cứu phát hiện ra rằng dùng dầu cá với liều lượng vừa phải giúp ngủ ngon. Cụ thể nghiên cứu trên 395 trẻ em cho thấy uống 600 mg axit béo Omega 3 mỗi ngày trong 16 tuần giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu báo cáo rằng việc dùng một liều lượng cao dầu cá làm trầm trọng thêm các triệu chứng mất ngủ, lo lắng ở bệnh nhân có tiền sử trầm cảm.
3. Tăng đường huyết
Một số nghiên cứu cho thấy việc bổ sung nhiều axit béo Omega 3 có thể làm tăng lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường. Cụ thể, việc bổ sung 8 gam axit béo Omega 3 mỗi ngày dẫn đến mức tăng 22% lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2 trong khoảng thời gian 8 tuần.
Điều này là do liều lượng lớn Omega 3 có thể kích thích sản xuất glucose, góp phần làm tăng lượng đường trong máu lâu dài. Tuy nhiên, nghiên cứu khác chứng minh khi bạn dùng liều lượng rất cao mới tác động đến lượng đường trong máu.
4. Tụt huyết áp
Một phân tích của 31 nghiên cứu kết luận uống dầu cá có thể làm giảm huyết áp hiệu quả, đặc biệt là đối với những người bị huyết áp cao hoặc mức cholesterol cao. Mặc dù những tác dụng này có thể có lợi cho những người bị huyết áp cao, nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây ra vấn đề nghiêm trọng cho những người huyết áp thấp. Vì vậy, bạn nên thảo luận về việc dùng chất bổ sung với bác sĩ nếu đang điều trị huyết áp.
4. Chảy máu
Chảy máu nướu răng, chảy máu cam là hai trong số những tác dụng phụ nổi bật của việc tiêu thụ quá nhiều dầu cá. Một nghiên cứu ở 56 người cho thấy, bổ sung 640 mg dầu cá mỗi ngày trong khoảng thời gian 4 tuần làm giảm đông máu ở người lớn khỏe mạnh.
Ngoài ra, dầu cá có thể dẫn đến nguy cơ chảy máu cam cao hơn. Trong một nghiên cứu nhỏ, 72% thanh thiếu niên dùng 1-5 gam dầu cá hàng ngày bị chảy máu cam do tác dụng phụ. Vì lý do này, chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên bạn nên ngừng dùng dầu cá trước khi phẫu thuật, nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng chất bổ sung nếu đang dùng thuốc làm loãng máu.
5. Trào ngược dạ dày thực quản
Mặc dù dầu cá tác dụng tốt đối với sức khỏe tim mạch, nhưng nhiều người cho biết họ cảm thấy ợ chua sau khi bắt đầu sử dụng sản phẩm. Các dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản khác bao gồm ợ hơi, buồn nôn và khó chịu ở dạ dày.
Việc sử dụng liều lượng vừa phải có thể làm giảm triệu chứng. Ngoài ra, bạn chia nhỏ liều lượng thành một vài phần nhỏ hơn trong ngày có thể giúp loại bỏ chứng khó tiêu.
Tham khảo: VnExpress