Kể từ bùng phát vào cuối tháng 12 năm 2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc, virus corona mới (2019-nCoV) đã và đang lây nhiễm cho hàng nghìn người tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, gây nên dịch bệnh nghiêm trọng. Vậy cần bao lâu để có vắc-xin cho 2019-nCoV?
Không giống như các dịch bệnh đã có trước đó như dịch SARS, Ebola, Zika hay Mers các nhà khoa cần đến hàng năm để có thể phát triển được vắc-xin ngừa bệnh, với 2019-nCoV chúng ta có thể rút ngắn thời gian để sản xuất vắc-xin nhờ những kinh nghiệm đã có cùng với sự phát triển của những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực y sinh.
Ngay sau khi hệ gen của Coronavirus 2019-nCoV được các nhà khoa học Trung Quốc chia sẻ trên hệ thống dữ liệu chung ngày 10/01/2020 nhiều nhóm nghiên cứu đã thông báo đã có thể sản xuất được vắc-xin cho loại virus này. Trong đó, tổ chức CEPI (Coalition for Epidemic Preparedness Innovations) đã tài trợ cho 3 công ty phát triển vắc-xin phòng 2019-nCoV. Hai công ty Inovio Pharmaceuticals Inc. tại San Diego, Mỹ và Moderna Inc. tại Massachusetts, Mỹ đều thông báo rằng vắc-xin của họ có thể sẵn sàng tiến hành thử nghiệm trên động vật trong vòng một tháng tới. Công ty Moderna cũng cho biết thêm rằng họ có thể sản xuất được vắc-xin cho thử nghiệm lâm sàng trên người trong 3 tháng tới.
Hai công ty Inovio và Moderna đều sử dụng công nghệ chế tạo vắc-xin mới dựa trên trình tự DNA đặc hiệu hoặc mRNA của virus. Trình tự DNA được chọn mã hoá cho protein của virus, có khả năng kích hoạt hệ miễn dịch trong cơ thể người mà không gây bệnh cho người được tiêm vắc-xin.
Việc chế tạo vắc-xin dựa theo phương thức này sẽ nhanh hơn rất nhiều, chỉ cần biết trình tự hệ gen của virus mà không cần thực hiện trên mẫu virus thật. Bà Kate Broderick, người chịu trách nhiệm cho dự án sản xuất vắc-xin Coronavirus 2019-nCoV tại công ty Inovio cho biết rằng chỉ trong 3 giờ đồng hồ sau khi Trung Quốc cung cấp trình tự hệ gen của Coronavirus 2019-nCoV họ đã có thể thiết kế được vắc-xin cho loại virus này.
Nhóm nghiên cứu thứ ba ở trường đại học Queensland, Úc đang đặt mục tiêu sẽ có vắc-xin thử nghiệm trên người trong 16 tuần nữa. Nhóm nghiên cứu phát triển vắc-xin dựa trên protein của virus được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên, khi một vắc-xin mới được phát triển thì cần phải trải qua các thử nghiệm trên động vật rồi đến một nhóm người nhỏ và sau đó mới có thể dùng cho cộng đồng. Các bước thử nghiệm này giúp đảm bảo tính an toàn cũng như chắc chắn hoạt động của vắc-xin có hiệu quả.
Do đó, cần có thời gian để có thể sản xuất được vắc-xin ngừa Coronavirus và chúng ta không thể đốt cháy giai đoạn quá nhiều. Chúng ta cũng không thể chắc rằng có thể có vắc-xin kịp thời trong thời gian diễn ra dịch bệnh này hay không?
Bà Ana Maria Henao-Restrepo từ tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết rằng hiện WHO đang xem xét để quyết định xem loại vắc-xin nào sẽ được kiểm chứng đầu tiên ở trên người. Các chuyên gia cần quan tâm tới nhiều tiêu chí trong đó bao gồm tính an toàn có thể chấp nhận được của loại vắc-xin, khả năng gây đáp ứng miễn dịch của loại vắc-xin và khả năng có sẵn kịp thời của liều vắc-xin. Tổ chức WHO sẽ công bố quyết định xem loại vắc-xin nào sẽ được thử nghiệm trên người trong vài ngày tới.
Công ty Inovio cho biết rằng nếu thử nghiệm lâm sàng ban đầu trên người thành công thì cuộc thử nghiệm lớn hơn có thể được tiến hành vào cuối năm nay tại Trung Quốc, nơi dịch bệnh đang diễn ra một cách nghiêm trọng. Dù chưa biết dịch bệnh có thể được kiểm soát sớm hay không nhưng đó là thời gian ngắn nhất có thể để phát triển một loại vắc-xin cho chủng virus mới.
Vào năm 2002-2003 khi dịch SARS diễn ra, cũng phải mất 20 tháng để có vắc-xin thử nghiệm trên người khi mà dịch bệnh hầu như đã được kiểm soát. Đến năm 2015 khi dịch Zika bùng phát, các nhà khoa học cũng mất khoảng 6 tháng để phát triển được vắc-xin.
Do đó chúng ta hy vọng rằng với những tiến bộ của khoa học và kinh nghiệm chống dịch đã có, các nhà khoa học có thể phát triển được vắc-xin cho coronavirus 2019-nCoV trong thời gian ngắn hơn.
Từ năm 2003 đến nay đã có 3 đợt bệnh dịch lớn do họ coronavirus gây ra, điều này dự báo về khả năng gây bệnh dịch phổ biến của chủng virus này. Do đó về lâu dài, các nhà khoa học có thể nghĩ tới việc phát triển một loại vắc-xin chung cho họ Coronavirus. Tuy nhiên với những kinh nghiệm trong phát triển vắc-xin HIV và vắc-xin cúm chúng ta biết rằng việc này cũng không hề dễ dàng.
Nguồn: Theo Tiến Sĩ Đào Thị Mai Lan – Phòng nghiên cứu, Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec.